Màu xanh Ai Cập không chỉ là sắc màu tổng hợp đầu tiên được loài người chế tạo. Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley – Bộ Năng lượng Mỹ vừa phát hiện ra sắc xanh bí ẩn này mang một nguồn năng lượng khó tin.
Màu xanh trên các bức phù điêu Ai Cập cổ đại mang nhiều giá trị khoa học khó tin - ảnh: ANCIENT PAGES
Theo nghiên cứu vừa công bố trên tờ The Journal of Applied Physics, nhóm khoa học gia này cho biết màu xanh Ai Cập huyền bí này có thể giúp con người cải thiện hiệu suất trong các tòa nhà hiện đại với ứng dụng sơn mái nhà, tường, xe hơi… để chống nhiệt, làm mát tự nhiên; sơn cửa sổ để tạo ra… điện.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng mức huỳnh quang mà sơn xanh Ai Cập tạo ra cao hơn hiểu biết trước đây đến 10 lần. Màu xanh này hấp thụ ánh sáng tự nhiên, sau đó phát ánh sáng này trở lại trong phạm vi gần hồng ngoại.
Nếu được ứng dụng trên các bề mặt, nó sẽ có tác dụng phản xạ ánh sáng mặt trời như sơn trắng nhưng mạnh mẽ hơn và có tác dụng làm mát tốt hơn. Còn nếu bạn sơn chúng lên khung cửa sổ và kết nối với các thiết bị phù hợp, năng lượng hồng ngoại mà các khung cửa phát ra sẽ giúp tạo ra nguồn điện đáng kể mà không cần đến các tấm pin năng lượng mặt trời cồng kềnh.
Các ứng dụng này rất khả thi bởi khi được phục chế đúng cách, sắc xanh Ai Cập nguyên bản là một màu cực kỳ đẹp và trang nhã.
Màu xanh Ai Cập có tuổi đời khoảng 5.200 năm. Người Ai Cập cổ đại đã dùng một hỗn hợp chứa đồng, cát và chất kiềm mạnh, nung ở nhiệt độ 800-900 độ C với những điều kiện chặt chẽ. Vào năm 2017, một nhóm khoa học gia đến từ Viện nghiên cứu Nanochemistry (Đại học Curtin, Tây Úc) và Bảo tàng Nghệ thuật Indianapolis (Mỹ) đã nghiên cứu ứng dụng màu xanh Ai Cập này thành một chất bột phát hiện vân tay tốt hơn bất cứ phương tiện nào mà ngành pháp y sở hữu trước đây.