Trung Quốc tạo ra mặt trăng thứ 2, giới khoa học lo ngại

Thứ sáu, 19 Tháng 10 2018 13:54 (GMT+7)
Trung Quốc tiết lộ kế hoạch tạo ra mặt trăng nhân tạo sáng gấp 8 lần trăng thật. Nhiều người lo ngại nó sẽ tác động bất lợi đến nhiều động vật và ngành thiên văn.

Ông Wu Chunfend, Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Hệ thống Vi điện tử và Công nghệ Vũ trụ Thành Đô, đã tiết lộ về kế hoạch đưa lên bầu trời một mặt trăng nhân tạo vào năm 2020.

Mặt trăng nhân tạo này được mô tả là một vệ tinh chiếu sáng, có thể tỏa ánh sáng mạnh gấp 8 lần mặt trăng thật trong phạm vi 10-80 km trên bầu trời khu vực phía Tây Nam của Thành Đô.

Trung Quốc tạo ra mặt trăng thứ 2, giới khoa học lo ngại - Ảnh 1.

Thành Đô sẽ sở hữu một mặt trăng nhân tạo? - ảnh minh họa từ Shanghailist

Theo ông Wu, mặt trăng nhân tạo này có thể thay thế cho đèn đường và khiến cả khu vực rộng lớn chìm trong thứ ánh sáng hoàng hôn dịu và đẹp mắt.

Công nghệ này đã được ấp ủ trong nhiều năm. Hiện nay, mặt trăng nhân tạo đã ở giai đoạn "trưởng thành" và sẵn sàng được đưa lên bầu trời. Tiết lộ của ông Wu đem đến nhiều bình luận trái chiều, trong đó không ít người lo ngại mặt trăng này có thể đẹp nhưng sẽ đem đến rất nhiều tác động bất lợi.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ riêng việc chiếu sáng các thành phố lớn bằng vô số đèn công suất cao đã tác động xấu đến đồng hồ sinh học của con người là động vật, dẫn đến bệnh tật, nhiều thay đổi khó lường trong tập tính của động vật.

Nhiều bình luận thì bày tỏ sự lo ngại một vật thể chiếu sáng công suất cao như thế sẽ cản trở việc quan sát thiên văn.

Nhưng theo ông Kang Weimin, giám đốc Viện Quang học của Trường Hàng không – vũ trụ, thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhi Tân, thành viên nhóm nghiên cứu, mặt trăng này chỉ tỏa ra lượng ánh sáng giống như hoàng hôn nên không đủ để gây tác hại.

Theo tờ Daily Mail, đây không phải lần đầu tiên con người cố gắng phóng một vật thể phản xạ ánh sáng lên bầu trời, thế nhưng các kế hoạch trước đó đều đã thất bại.

Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu Nga đã cố gắng phóng một vệ tinh mang tên Mayak lên quỹ đạo, với dự tính rằng khi lên đến đúng vị trí, vệ tinh sẽ mở ra thành một thiết bị tương tự mặt trăng nhân tạo. Nhóm này cũng bị giới thiên văn học phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, đến tháng 8-2017, mọi chuyện "chìm xuồng" khi nhóm nghiên cứu cho biết kế hoạch đã thất bại hoàn toàn: vệ tinh lên đến quỹ đạo trái đất nhưng… không thể mở ra.

Nguồn: A. Thư - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Khoa Học