Hôm 20-1, hàng triệu người trên thế giới đã theo dõi hiện tượng "siêu trăng sói máu". Đây là lần trăng tròn đầu tiên trong năm (trăng sói), đồng thời mặt trăng ở gần trái đất nhất (siêu trăng) và xảy ra nguyệt thực (trăng máu).
Trong lúc quan sát, một số người nhận thấy có một tia sáng nhỏ xuất hiện trên mặt trăng. Nhà thiên học Jose Maria Madiedo đến từ Trường ĐH Huelva (Tây Ban Nha), xác nhận đó là sao băng va trúng mặt trăng.
Người này sau đó viết trên Twitter hôm 22-1: "Một sao băng đã lao vào mặt trăng trong thời gian diễn ra nguyệt thực toàn phần", kèm theo đó là một liên kết YouTube cho thấy va chạm xảy ra ở phía trái mặt trăng.
Tia sáng xuất hiện trên bề mặt mặt trăng là do thiên thạch va trúng. Ảnh: CNET
Bộ ba siêu trăn, trăng máu và trăng sói nhìn từ Đức. Ảnh: Shutterstock
Ông Madiedo đã quan sát tia sáng qua Hệ thống phân tích và phát hiện va chạm lên mặt trăng (MIDAS) của Tây Ban Nha.
Dự án MIDAS sử dụng dữ liệu từ một số đài quan sát thiên văn trong cả nước để theo dõi các tia sáng trên bề mặt mặt trăng, thu thập thông tin về tần suất va chạm lên mặt trăng, từ đó có thể cho các nhà thiên văn học biết về tần suất va chạm trong bầu khí quyển của trái đất.
Họ dùng một loạt kính viễn vọng trang bị camera độ nhạy cao để theo dõi bề mặt mặt trăng. Dù va chạm thiên thạch xảy ra nhiều lần nhưng không dễ ghi lại bởi mặt trăng phải tối để có thể nhìn thấy ánh sáng trắng.
"Vụ va chạm này rất có ý nghĩa vì đây là lần đầu tiên các thiên văn học có thể ghi lại tác động lên mặt trăng trong thời gian nguyệt thực" – ông Madiedo bình luận.
Nguyệt thực tiếp theo sẽ chỉ là nguyệt thực một phần, có thể nhìn thấy từ Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á và Úc. Nó sẽ xảy ra vào ngày 16-7.