Theo các nhà khoa học đến từ Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), vào tháng 4-2017, một mạng lưới kính viễn vọng toàn cầu được sử dụng để quan sát và chụp lại bức ảnh đầu tiên về hố đen.
Đó là một hố đen siêu lớn và bóng của nó nằm ở trung tâm của một thiên hà có tên là Messier 87 (M87). Trong bức ảnh, một vùng tối trung tâm được gói gọn bởi một vòng ánh sáng trông sáng hơn ở một bên.
M87 nằm gần cụm thiên hà Virgo cách trái đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng. Hố đen siêu lớn có khối lượng gấp 6,5 tỉ lần so với mặt trời .
Bức ảnh đầu tiên về hố đen. Ảnh: CNN
Đài CNN cho biết hơn 200 nhà khoa học đã tham gia dự án chụp ảnh hố đen EHT và đã làm việc suốt hơn một thập kỷ để có được bức ảnh đầu tiên. Họ kết hợp sức mạnh của 8 kính viễn vọng vô tuyến trên khắp thế giới để tạo ra một kính viễn vọng ảo.
Nó đã thu thập 5.000 ngàn tỉ byte dữ liệu trong 2 tuần, sau đó đưa vào xử lý bằng siêu máy tính để cho ra bức ảnh cuối cùng. Trong thời gian đó, các nhà khoa học gặp một trục trặc khi kính viễn vọng Nam Cực không trả về dữ liệu do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), hố đen được tạo thành từ một lượng lớn vật chất nén vào một khu vực nhỏ, tạo ra trường hấp dẫn khổng lồ thu hút mọi thứ xung quanh, bao gồm cả ánh sáng.
Vật chất tích tụ xung quanh hố đen được nung nóng đến hàng tỉ độ C và gần đạt tới tốc độ của ánh sáng. Ánh sáng uốn quanh trọng lực của hố đen tạo ra vòng photon nhìn thấy trong bức ảnh.