Cấp phép nuôi cấy nội tạng người trên động vật

Thứ sáu, 02 Tháng 8 2019 08:40 (GMT+7)
Các nhà khoa học Nhật Bản lần đầu được cấp phép nuôi cấy nội tạng người trên động vật, giúp mở ra tương lai cho ngành y đang khan hiếm nội tạng.

Thí nghiệm gây tranh cãi nói trên sẽ được dùng để nuôi các bộ phận cơ thể người trong động vật sống dùng cho cấy ghép, có khả năng tạo ra nguồn cung không giới hạn. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số lo ngại về việc các nhà khoa học có thể kiểm soát động vật biến đổi gien giống con người đến mức nào và não của chúng có khả năng phát triển giống con người hay không.

GS Hiromitsu Nakauchi, người dẫn đầu nghiên cứu nói trên, nói với tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản): "Cuối cùng, chúng tôi đã có thể nghiên cứu một cách nghiêm túc sau 10 năm chuẩn bị". Ông Nakauchi tin rằng ông có thể phát triển tuyến tụy của người bằng cách đưa tế bào gốc vào một động vật có vú khác, chẳng hạn như heo và sẽ sử dụng nó để chữa bệnh tiểu đường ở người.

Cấp phép nuôi cấy nội tạng người trên động vật - Ảnh 1.

Giáo sư Hiromitsu Nakauchi cho biết nếu phương pháp này thành công sẽ cứu được nhiều người Ảnh: Daily Mail

Đối với nghiên cứu này, nhóm của ông Nakauchi sẽ tạo ra phôi động vật gặm nhấm không thể tự phát triển tuyến tụy. Sau đó, họ cấy tế bào gốc của con người vào với mục tiêu tạo phôi phát triển tuyến tụy từ tế bào người. Phôi thai lai này sau đó được đưa vào tử cung của một con vật còn sống. Động vật này phát triển như bình thường đến một mức độ nào đó thì bị giết để lấy nội tạng, ghép cho bệnh nhân.

GS Nakauchi hồi tháng 6 cho biết: "Việc tạo ra nội tạng người từ động vật chưa thể thành công sớm. Nhưng nếu phương pháp này được công nhận, nó sẽ cứu mạng sống của rất nhiều người. Chúng tôi muốn thực hiện một cách cẩn trọng". Tuy nhiên, nhóm của ông Nakauchi khẳng định sẽ hủy bỏ thí nghiệm nếu trong não của động vật có hơn 30% tế bào giống con người vì điều này có thể khiến con vật được "nhân hóa" và thông minh khác thường.

Hồi năm 2017, nhóm nghiên cứu của ông Nakauchi đã hợp tác cùng Trường ĐH Stanford (Mỹ) để ghép tuyến tụy được phát triển trong cơ thể chuột vào chuột mắc bệnh tiểu đường. Sau vài ngày điều trị chống đào thải nội tạng ở chuột được ghép tạng, tuyến tụy bắt đầu tạo ra insulin như bình thường.

Xuân Mai - (nld.com.vn)
 
 
 
 

Bài viết mới nhất của Khoa Học