Các nhà nghiên cứu của Đại học West Virginia vừa khám phá ra một ngôi sao neutron khổng lồ, lớn nhất từ trước tới nay thông qua kính viễn vọng Green Bank ở Hạt Pocahontas, Mỹ.
Ngôi sao neutron mới có tên là J0740 + 6620, đường kính khoảng 30 km nhưng nén khối lượng nặng tới 2,17 lần so với khối lượng của Mặt trời, tương đương 333.000 lần khối lượng của Trái đất.
Thông thường, một ngôi sao neutron có khối lượng từ 1,35 đến 2,1 lần khối lượng Mặt trời. Nếu khối lượng gấp 3-5 lần thì sẽ hình thành hố đen vũ trụ.
J0740 + 6620 được phát hiện cách Trái đất khoảng 4.600 năm ánh sáng (một năm ánh sáng khoảng 9.600 tỉ km).
Phát hiện này được công bố hôm 16/9 trên tạp chí Nature Astronomy. Các nhà nghiên cứu cho biết họ tình cờ phát hiện ra ngôi sao này khi đang tìm kiếm sóng hấp dẫn.
Sao neutron là phần còn lại của các ngôi sao khổng lồ, được tạo nên sau những vụ nổ siêu tân tinh.
Ngôi sao neutron này được xác định là một sao xung, xoay nhanh liên tục và tạo ra sóng radio từ 2 cực. Sao xung đóng vai trò như đồng hồ nguyên tử của vũ trụ vì bước sóng mà nó tạo ra mang tính chu kỳ. Các nhà nghiên cứu thiên văn có thể dựa vào thiên thể này để nghiên cứu vũ trụ và thời gian.