Điều đặc biệt nhất, trung tâm của "hệ mặt trời" đó không phải là một ngôi sao rực rỡ như mặt trời của chúng ta hay mọi hệ hành tinh đã biết, mà là một lỗ đen "quái vật" – cụm từ được dùng để chỉ những lỗ đen siêu khối to đến mức khó tưởng tượng.
Hình ảnh tuyệt đẹp về một lỗ đen siêu khối - ảnh: TRUNG TÂM BAY KHÔNG GIAN GODDARD, NASA
Để có thể tồn tại mà không bị hút mất, hành tinh gần nhất trong hệ này phải cách "mặt trời lỗ đen" ít nhất 10 năm ánh sáng. Để so sánh, khoảng cách từ mặt trời đến trái đất chỉ là 0,00001581 năm ánh sáng (149,6 triệu km).
Và với số lượng hành tinh lên tới 10.000, đó sẽ là một hệ hành tinh khổi lồ, ngoài sức tưởng tượng. Cách nó hình thành khá giống các hệ hành tinh bình thường, bởi môi trường xung quanh lỗ đen cho phép sự tồn tại của các đĩa hình thành hành tinh, trong đó các đám mây khí và bụi kết tụ lại với nhau và cho ra đời những hành tinh mới.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy lỗ đen siêu khối thường thể hiện sự giãn nở thời gian, được cho là ức chế quá trình hình thành hành tinh. Nhưng theo công trình mới này, với khoảng cách đủ xa là 10-30 năm ánh sáng, các hành tinh sẽ thoát khỏi sự ức chế này mà vẫn có một môi trường giàu bụi vũ trụ để hình thành.
Phát biểu trên New Scientist, nhà khoa học Sean Raymond từ Đại học Bordeaux (Pháp), người không tham gia nghiên cứu trên, đã ca ngợi công trình. Theo ông, trên lý thuyết, từ lâu người ta đã cho rằng có thể có việc hàng triệu hành tinh quay quanh một lỗ đen siêu lớn. Công trình này lần đầu đã khẳng định điều đó là khả dĩ. Trực tiếp quan sát một hệ hành tinh như thế sẽ rất khó khăn bởi trở ngại về mặt khoảng cách, nhưng có thể có được bằng chứng gián tiếp thông qua các công cụ thiên văn hồng ngoại để tìm hiểu đĩa hình thành hành tinh quanh các lỗ đen "quái vật".