90 triệu năm trước, gần Nam Cực từng có một khu rừng nhiệt đới

Thứ bảy, 04 Tháng 4 2020 16:32 (GMT+7)
Các nhà khoa học cho biết, trầm tích bị chôn lấp được khai thác từ đáy biển ngoài khơi Tây Nam Cực chứa phấn hoa cổ, rễ hóa thạch và nhiều bằng chứng hóa học khác cho thấy có một khu rừng đa dạng phát triển hàng triệu năm trước chỉ cách Nam Cực chưa đến một nghìn km.
90 triệu năm trước, gần Nam Cực từng có một khu rừng nhiệt đới
Khoảng từ 92 triệu đến 83 triệu năm trước, từng có một rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt cách Nam Cực khoảng 1.000km. (Ảnh tái dựng).
 
Phần lớn Nam Cực đã không có băng trong kỷ Phấn trắng
 
Nhóm các nhà khoa học công bố nghiên cứu này trên tạp chí Nature ngày 2-4. Theo đó, trầm tích ở vùng cực nam cho thấy trái đất có khí hậu ấm áp trong thời kỳ kỷ Phấn trắng, giữa 92 triệu và 83 triệu năm trước. Bằng cách phân tích dấu vết của thảm thực vật trong trầm tích, các nhà nghiên cứu đã tái tạo lại điều kiện khí hậu tại khu vực này. Nhiệt độ trung bình hàng năm trong rừng là khoảng 13°C, nhiệt độ mùa hè lên tới 20°C hoặc 25°C.
 
Kỷ Phấn trắng được biết đến là một trong những thời kỳ ấm nhất trên trái đất trong 140 triệu năm qua, dựa trên các phân tích về hóa thạch và trầm tích được thu thập từ đáy biển gần xích đạo. Mức carbon dioxide trong khí quyển ít nhất là 1.000 phần triệu (ppm). (Mức carbon dioxide trong khí quyển ngày nay trung bình khoảng 407 ppm, cao nhất trong 800.000 năm qua.)
 
Nhà địa chất Johann Klage, Viện Alfred Wegener ở Bremerhaven, Đức cho rằng, để một khu rừng phát triển mạnh phía cực nam, thậm chí còn tồn tại những điều kiện nhà kính mạnh mẽ hơn so với suy nghĩ trước đây với mức carbon dioxide trong khí quyển trong khoảng từ 1.120 đến 1.680 ppm, nó cho chúng ta thấy vai trò cực lớn của carbon dioxide hay những gì carbon dioxide thực sự có thể làm được. “Ngay cả khi không có ánh sáng trong bốn tháng, Nam Cực vẫn có thể có khí hậu ôn hòa”, ông nói.
Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi học giả Johann Klages (phải) đã phân tích trầm tích đáy biển từ ngoài khơi bờ biển Tây Nam Cực. Các phân tích về một lõi trầm tích cho thấy một mạng lưới dày đặc của rễ cũng như phấn hoa, bào tử và các dấu vết hóa học khác của thực vật nước ngọt.
 
Nhóm nghiên cứu đã lấy được lõi đất mẫu dài 30 mét từ phía bờ biển Amundsen, nơi ngày nay các sông băng Thwaites và Pine Island tan chảy nhanh chóng đổ ra biển. Thậm chí trước khi phân tích lõi đất mẫu, ông Klages nói, các nhà nghiên cứu đã biết nó rất đặc biệt: Ba mét trầm tích dưới cùng, tương ứng với thời kỳ giữa kỷ Phấn trắng, cho thấy dấu vết của rễ cây.
 
“Chúng tôi đã thấy nhiều lõi đất mẫu lấy từ Nam Cực, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì như vậy”, ông Klages nói.
 
Phấn hoa trong lõi cho thấy rằng khu rừng cổ xưa, ẩm ướt này là nơi sinh sống của cây lá kim, dương xỉ và cây bụi nở hoa cũng như thảm vi khuẩn. Các phân tích trầm tích cho thấy không có dấu vết của muối, vì thế đây là một đầm lầy nước ngọt.
 
Dữ liệu về rừng cũng là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy phần lớn Nam Cực đã không có băng trong thời kỳ giữa kỷ Phấn trắng, Klages cho biết. Chỉ riêng mức carbon dioxide cao sẽ không đủ để giữ nhiệt độ ôn hòa tới gần vùng cực. Thí dụ, nếu có một dải băng trắng sáng, nó sẽ phản chiếu phần lớn ánh sáng mặt trời chiếu vào không gian, giữ cho đất lạnh. Nhưng lớp phủ thực vật có tác dụng ngược lại, hấp thụ nhiều nhiệt mặt trời hơn và khuếch đại sự nóng lên của khí nhà kính.
 
Bài học ứng xử với Nam Cực hiện tại
 
Nhà địa chất, Phó giáo sư Julia Wellner, Đại học Houston đánh giá, nghiên cứu này đại diện cho “một dấu mốc rõ ràng về không chỉ các điều kiện ấm áp hơn, mà còn là một hệ thực vật rừng đa dạng” tại Nam Cực.
 
“Bài báo này là một lời nhắc nhở tuyệt vời rằng, lục địa ở Nam Cực không nhất thiết phải có băng ở khắp mọi nơi, hoặc thậm chí đặc biệt lạnh”, Phó giáo sư Wellner nói.
 
Phát hiện này cũng cho thấy rất khó để giữ các sông băng không tan chảy ở Nam Cực khi biến đổi hậu diễn ra. Mức carbon dioxide trong khí quyển ngày nay thấp hơn nhiều so với mức giữa kỷ Phấn trắng, nhưng đang tăng lên. Và các vùng đất lục địa đã di chuyển qua hàng triệu năm, một phần bị đẩy và kéo bởi các mảng kiến ​​tạo đang dịch chuyển của trái đất, dẫn đến các mô hình lưu thông đại dương và khí quyển khác với quá khứ.
 
Theo Phó giáo sư Wellner, nghiên cứu đã làm nổi bật sự tương phản giữa hai bối cảnh khác nhau, chẳng hạn như sự hiện diện hay vắng mặt của lớp băng đối với khí hậu nói chung. Vai trò của những tương phản như vậy trong tương lai vẫn chưa rõ ràng. Còn hiện tại, dải băng ở Nam Cực vẫn có thể làm dịu sự nóng lên của nhà kính, ngay cả khi carbon dioxide tiếp tục tích tụ trong khí quyển.
 
Nhà địa chất Klages cũng đồng ý rằng sự hiện diện của băng trên hành tinh này là món quà rất quý giá và chúng ta nên làm mọi thứ để giữ được nó.
 
HOÀNG DƯƠNG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Khoa Học