Cá mập vây diều khi không phát sáng và khi phát ra ánh sáng xanh ma quái - Ảnh: Jérôme Mallefet
"Vùng hoàng hôn" hay vùng mesopelagic chỉ khu vực biển có độ sâu từ 200 đến 1.000 mét, nơi ánh sáng vô cùng thiếu thốn. Vì vậy nhiều loại động vật đã sở hữu khả năng phát quang sinh học mạnh mẽ, như một điều kiện để tồn tại.
Nghiên cứu công bố trên Frontiers in Marine Science cho biết ba "thủy quái" nói trên là cá mập vây diều, cá mập lồng đèn bụng đen, cá mập lồng đèn phương Nam. Chúng đều sở hữu hoa văn màu xanh nhạt phát sáng trên da. Trong đó, cá mập vây diều có thể đạt tới độ dài 1,8 mét, trở thành loài cá mập phát quang sinh học lớn nhất được biết đến trên thế giới.
Mẻ lưới đưa đến nghiên cứu độc đáo này đến từ cuộc khảo sát của NIWA ngoài khơi bờ biển Đông New Zealand. Trong hàng trăm con cá mập bị bắt, 13 con cá mập vây diều, 7 con cá mập lồng đèn bụng đen và 4 con cá mập lồng đèn phương Nam đã được sử dụng cho nghiên cứu.
Theo Science Alert, trong da của cả 3 loài, các nhà khoa học tìm thấy tế bào quang điện, một cơ quan phát sáng được tìm thấy ở động vật phát quang sinh học. Về việc chúng phát sáng để làm gì, các nhà khoa học chưa tìm ra câu trả lời đích xác, nhưng có thể là một vài hoặc tất cả trong số các lý do sau: thu hút bạn tình, dụ con mồi, ngụy trang…
"Dụ con mồi" có thể là lý do khả dĩ nhất đối với 3 sinh vật này. Một điều đặc biệt là ánh sáng hầu như tập trung quanh bụng, ở vây lưng và mặt dưới của sinh vật, khiến chúng hầu như vẫn vô hình từ một số góc độ. Nếu phát sáng để ngụy trang thì phần phát sáng thường chỉ xuất hiện ở mặt dưới con vật, khiến chúng đồng nhất với màu trời trong mắt các sinh vật bơi ở bên dưới.
Các tác giả nói thêm rằng khả năng phát quang sinh học thực sự phổ biến hơn chúng ta tưởng, nhưng phát sáng đủ để nhìn thấy một cách rực rỡ thì hiếm hoi. Ngay cả con người cũng phát quang sinh học, nhưng ánh sáng từ chúng ta quá mờ nên không ai thấy.
Anh Thư - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)