Hôm nay, 86% người Trái Đất cùng đón đêm "2 lần rực sáng" hiếm có

Thứ ba, 06 Tháng 12 2022 10:57 (GMT+7)
Vào đêm ngày 6 hoặc rạng sáng 7-12, người Trái Đất sẽ đón 1 trong 3 "đêm cực đại" của năm 2022, nhưng không hề tăm tối mà vô cùng rực rỡ khi "Trăng Lạnh" trùng khớp với 2 hiện tượng thiên văn được mong chờ.
 
Theo tính toán của trang Time and Date dựa trên dữ liệu dân số từ Trung tâm Mạng thông tin Khoa học Trái Đất Quốc tế của Đại học Columbia (viện đại học nghiên cứu ở New York - Mỹ), độ lệch của Mặt Trời gần Đông Chí sẽ vô tình bao phủ bóng đêm gần cực đại của Bắc Bán Cầu lên các khu vực đông dân cư nhất thế giới bao gồm đa phần Châu Á, châu Phi và châu Âu.
 
Hôm nay, 86% người Trái Đất cùng đón đêm 2 lần rực sáng hiếm có - Ảnh 1.
Vùng bóng tối của Trái Đất rạng sáng nay - Ảnh: TIME AND DATE
 
Điều này vô tình tạo nên 1 trong 3 đêm cực đại trong năm: 85,92% người Trái Đất cùng trải qua ban đêm một lúc, với thời điểm cực đại rơi vào lúc 2 giờ 59 phút rạng sáng 7-12 theo giờ Việt Nam, trong khi các nước châu Âu và một phần lớn châu Phi thời điểm này sẽ rơi vào tối ngày 6-12, xê dịch theo múi giờ.
 
Hai đêm cực đại khác cũng sẽ xảy ra lần lượt trong tháng 12 là rạng sáng 22-12 và rạng sáng 28-12 (giờ Việt Nam), với tỉ lệ bao phủ của đêm tối lần lượt là 88,14% và 86,11%.
 
Tuy nhiên rạng sáng 7-12 lại là một đêm tối vô cùng thú vị bởi vì nó... không hề tối, mà được thắp sáng tới 2 lần bởi Mặt Trăng gần cực đại và một trong những hiện tượng thiên văn đẹp nhất năm: mưa sao băng Geminids bắt đầu rơi.
 
Hôm nay, 86% người Trái Đất cùng đón đêm 2 lần rực sáng hiếm có - Ảnh 2.
Mưa sao băng Geminids - Ảnh: NASA
 
Gemininds là trận mưa sao băng lớn, vào giai đoạn cực đại có thể lên tới 150 ngôi sao băng mỗi giờ. Nó cũng là trận mưa sao băng độc đáo vì không xuất phát từ đuôi sao chổi mà được tạo nên khi Trái Đất bay qua một dải đá bụi để lại bởi tiểu hành tinh cổ đại 3200 Phaethon.
 
Tuy nhiên sẽ hơi khó quan sát mưa sao băng trong ngày 7-12 bởi ánh sáng từ sao băng sẽ bị lấn át bớt bởi Trăng Lạnh - là trăng tròn tháng 12 theo cách gọi của các nước Âu - Mỹ, vốn đã đạt tỉ lệ tròn rất cao và sẽ rất sáng trong đêm đó.
 
 
Theo tờ Space, vào đêm trăng tròn tuyệt đối (8-12), một số vùng trên thế giới, nhất là khu vực Âu - Mỹ sẽ có cơ hội nhìn thấy cảnh Mặt Trăng "nuốt" Sao Hỏa.
 
Sao Hỏa là hành tinh hầu như luôn luôn nhìn thấy được nếu không bị mây che phủ, với ánh sáng đỏ đặc trưng. Tuy nhiên trong đêm 8-12 nó sẽ có một giai đoạn khá dài vô tình đi qua sau lưng Mặt Trăng và tạo giấu mặt trên bầu trời. Ở hầu hết các khu vực nhìn thấy được, Sao Hỏa sẽ biến mất khoảng 1 giờ.
 
 

Bài viết mới nhất của Khoa Học