Phát hiện sốc về "con người lai giữa hai loài" đang sống ở Indonesia

Thứ ba, 13 Tháng 12 2022 09:06 (GMT+7)
Hình dạng DNA của loài người đã tuyệt chủng Denisovans, không phải của loài Homo sapiens chúng ta, là những gì đã được xác định trên hệ miễn dịch những con người đặc biệt sống ở Tây Papua - Indonesia và Papua New Guinea.
 
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Irene Galllego Romero của Đại học Melbourne (Úc) đã phân tích di truyền 56 cá thể người Papuans, tức nhóm cư dân sống ở tỉnh Tây Papua của Indonesia và đảo quốc Papua New Guinea lân cận, để tìm kiếm các yếu tố có thể đã để lại từ những cuộc hôn nhân dị chủng hàng chục ngàn năm trước.
 
Theo Sci-News, họ đã thu được kết quả hoàn toàn ngoài mong đợi. Không chỉ 5% bộ gien của họ là người Denisovans, mà toàn bộ hệ thống miễn dịch cũng gần như giữ được sự nguyên thủ từ vị tổ tiên khác loài.
 
Phát hiện sốc về con người lai giữa hai loài đang sống ở Indonesia - Ảnh 1.
Tượng sáp khắc họa chân dung người Denisovans trong một bảo tàng - Ảnh: REUTERS
 
Hệ miễn dịch của những người này mang hình thái DNA Denisovans rõ rệt, không phải của người Homo sapiens - tức loài người hiện đại chúng ta.
 
Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ và nhất quán đến quá trình miễn dịch, khiến phản ứng của cơ thể họ trước các mầm bệnh và tác nhân gây hại khác có phần khác biệt so với những người còn lại trên thế giới. Di sản này lại vô tình là món quà quý, vì giúp họ thích nghi với môi trường địa phương phá đặc biệt ở nơi giáp ranh châu Á - châu Úc.
 
Tuy các kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học PLOS Genetics này có vẻ gây sốc với hầu hết mọi người, nhưng không quá giật mình đối với các nhà nghiên cứu di truyền.
Vì theo một cách nào khác, phần lớn cư dân trên địa cầu cũng là những con người lai giữa hai loài, dù rằng phần lai với những loài người tuyệt chủng - Denisovans, Neanderthals và thỉnh thoảng là vài "loài người ma" thấp thoáng trong bộ gien - thường mờ nhạt hơn những người Papuans rất nhiều.
 
Trong khi yếu tố Neanderthals đậm nét nhất ở người Bắc Âu - với khoảng 2% bộ gien - thì yếu tố Denisovans lại xuất hiện nhiều ở người dân một số vùng châu Á, trong đó vài bộ tộc sống trên các hòn đảo Indonesia từng được phát hiện mang khá nhiều yếu tố di truyền từ loài này.
 
Khi Homo sapiens chúng ta xuất hiện trên địa cầu hơn 300.000 năm trước, thế giới có ít nhất 8-9 loài cùng thuộc chi Người (Homo) sinh sống, tuy nhiên họ đều đã tuyệt chủng, để lại chúng ta là đại diện duy nhất cho toàn nhân loại hiện đại.
 
Nhưng trước khi biến mất, nhiều loài đã kịp để lại dòng máu trong dòng dõi Homo sapiens, nhờ các cuộc hôn phối dị chủng xảy ra khá thường xuyên. Người Neanderthals và Denisovans - vốn chỉ mới tuyệt chủng 30.000 - 40.000 năm về trước - là những bạn tình khác loài phổ biến nhất của Homo sapiens cổ đại.
 
 

Bài viết mới nhất của Khoa Học