Trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ, nhóm tác giả đến từ Viện Khoa học địa chất Trung Quốc, Trung tâm Dự báo môi trường biển quốc gia Trung Quốc và Đại học Stanford (Mỹ) cảnh báo mảng kiến tạo Ấn Độ có thể bị bong ra làm hai khi trượt dưới mảng Á - Âu, xé nát Tây Tạng.
Cảnh quan hùng vĩ của Tây Tạng - Ảnh: THE LANDS OF SNOW
Mảng kiến tạo Ấn Độ và mảng kiến tạo Á - Âu từ lâu đã va chạm nhau. Trong đó, mảng Ấn Độ bị trượt xuống bên dưới, đội mảng Á - Âu lên.
Đó là một quá trình bình thường trong hoạt động kiến tạo mảng của Trái Đất, khi các "mảnh vỏ" của nó, cõng bên trên các phần lục địa và đại dương, không ngừng di chuyển và làm thay đổi cảnh quan, tạo nên các hiện tượng địa chất bao gồm núi lửa, động đất.
Với mảng Ấn Độ và mảng Á - Âu, vụ va chạm đã tạo nên dãy Himalaya và khiến nó ngày càng hùng vĩ qua hàng triệu năm.
Nghiên cứu mới cho thấy vụ va chạm này đặc biệt phức tạp.
Phần lớn mảng Ấn Độ chỉ trượt bên dưới mảng Á - Âu chứ không chìm vào lớp phủ. Nhưng một phần sâu hơn thì đang bị hút chìm, tức bị hút sâu vào lớp phủ.
Điều này khiến mảng này ngày một cong vênh, khi một nửa cứ cố bám vào Tây Tạng, một nửa đang bị hút xuống bằng lực cực mạnh.
Quá trình có thể dẫn đến việc khối này bị rách khi nửa trên bị bong ra hoặc bong tróc, dẫn đến hậu quả cuối cùng là phá hỏng cao nguyên Tây Tạng bằng cách xé đôi nó.
Để có bức tranh toàn cảnh, các nhà khoa học đã điều tra dựa trên sóng địa chấn ghi nhận ở khu vực Tây Tạng và phát hiện đáy của mảng Ấn Độ sâu tận 200 km, tuy nhiên những nơi khác chỉ sâu 100 km.
Điều này có nghĩa một số phần của mảng Ấn Độ hiện đã bị bong tróc và quá trình xé đôi Tây Tạng đang diễn tiến ngầm bên dưới lòng đất.
Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, bởi quá trình kiến tạo mảng là một tiến trình dài. Để một mảng lục địa di chuyển rõ rệt, bạn cần nhìn nó suốt hàng chục, hàng trăm triệu năm.