Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khái quát nhiều kết quả quan trọng, điển hình, thu NSNN đến trưa 28/12 đạt xấp xỉ 1.397 nghìn tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán Quốc hội giao, trong đó thu ngân sách T.Ư đạt 103,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 109,3% dự toán.
Ước thu NSNN năm 2018 vượt khoảng trên 80 nghìn tỷ đồng (trên 6%) so dự toán; cả thu ngân sách T.Ư và địa phương đều vượt dự toán. Quy mô thu NSNN đạt trên 25%GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt trên 21%GDP.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (Ảnh: IT)
Bộ trưởng cũng khẳng định tiếp tục quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán; thực hiện điều chỉnh tăng 7% tiền lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công; trong năm đã siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách.
Cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27%[1] (mục tiêu là 25-26%); chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%).
Đối với chi đầu tư, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư năm nay vẫn còn rất chậm, ước đến 31/12/2018, giải ngân vốn NSNN mới đạt khoảng 66,6%; trong đó, vốn TPCP đạt khoảng 35,5%; nhiều bộ, ngành, địa phương đề nghị bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, nhưng thực tế giải ngân năm 2018 mới đạt khoảng 40% dự toán.
Đặc biệt, ông Dũng cho biết, năm qua Bộ Tài chính đã cắt giảm 536 đầu mối, trong khi vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả, thông suốt các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Tính đến nay, đã thực hiện cắt giảm theo chỉ tiêu biên chế được giao là 3.488 biên chế.
Về phương hướng sắp tới, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh quan điểm quán triệt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật tài chính; nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 27%-27,5% trong tổng chi ngân sách, đồng thời kiên quyết khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 3,6%GDP; nợ công ở mức khoảng 61%GDP.
Cùng với đó, nâng cao kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính-ngân sách, kể cả trong thu-chi NSNN, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản,....
Liên quan đến các kiến nghị của một số địa phương về việc ban hành nghị định hướng dẫn thanh toán bằng tài sản công đối với các dự án BT, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để hướng dẫn Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền ban hành 16 nghị định, còn 2 nghị định Bộ Tài chính năm qua đã 5 lần báo cáo giải trình tiếp thu, đồng thời, có hướng dẫn các địa phương tạm ngừng thanh toán.
Theo Bộ trưởng Tài chính, đây là vấn đề nhạy cảm, rất phức tạp và dễ xảy ra tiêu cực. Trên cơ sở tiếp thu giải trình của Bộ Tài chính thì Văn phòng Chính phủ đã 3 lần lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ. Quá trình xây dựng nghị định này rất phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã 3 lần nghe báo cáo về vấn đề này và chỉ đạo điều chỉnh hoàn thiện dự thảo nghị định này.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chủ trì cuộc họp ngày 29.8 để chỉ đạo hoàn thiện nội dung này. Và trong phiên họp Chính phủ tháng 9.2018, Chính phủ đã có nghị quyết về vấn đề này.
“Hiện nay Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như nghị quyết hướng dẫn chuyển giao trong khoảng trống pháp lý. Chúng tôi nghĩ rằng trong tháng 1, Chính phủ sẽ ban hành nghị định này” – ông Dũng thông tin.
Nguồn: PV - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)