Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI). (Ảnh: I.T)
Trong năm 2018, VnIndex từng lập đỉnh cao mới trong lịch sử ở mức 1.211 điểm (ngày 10.4.2018), nhưng sau đó lại sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (ngày 30.10.2018).
TTCK Việt Nam lạc nhịp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 10 năm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như xu hướng tăng tốc bình thường hóa lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Khép lại những ngày cuối năm, sắc đỏ vẫn còn hiện hữu.
Tại buổi tọa đàm công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2018 do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán (SJC) tổ chức, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI) đã chia sẻ góc nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam 2018 và dự báo cho năm 2019.
Nhìn lại diễn biến thị trường 2018, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng, nếu đánh giá chỉ số chứng khoán "lạc nhịp" so với diễn biến của nền kinh tế là không đúng vì thị trường chứng khoán luôn phản ánh trước điều sẽ diễn ra.
“Khi VnIndex chạy một mạch từ 600 điểm lên đỉnh 1.200 điểm đồng nghĩa với các chỉ số đã "chạy" trước so với nền kinh tế”, ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Theo đó, vào tháng 3.2018, sau khi gặp nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ đều bày tỏ sự lo ngại trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Bản thân ông Nguyễn Duy Hưng khi đó từng dự báo thị trường chứng khoán có thể đảo chiều. Song không nhiều nhà đầu tư trên thị trường cũng đồng tình với quan điểm này.
“Nói thị trường lên tất cả vỗ tay, nhưng nói xuống, đưa ra lo ngại sẽ bị rất nhiều người ném đá. Chúng ta chỉ đưa ra dự đoán, nếu thị trường diễn biến đúng có nghĩa chúng ta đoán đúng, diễn biến sai có nghĩa chúng ta đoán sai. Không ai có thể gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán chỉ bằng câu nói”, ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Dự báo TTCK Việt Nam 2019, ông Hưng cho rằng để đánh giá thị trường chứng khoán tốt hay xấu cần xem xét lại bối cảnh quốc tế. Hiện nay, chứng khoán và nền kinh tế thế giới đang đối mặt với 3 khó khăn.
Thứ nhất, chứng khoán đang trong ngưỡng của thị trường giá xuống, khi các chỉ số giảm 20% so với đỉnh. Ở nhiều TTCK, bao gồm Việt Nam đã giảm từ đỉnh 1.204 điểm xuống 900 điểm, tương đương hơn 20%.
Theo thống kê lịch sử, để có thể hồi phục từ mức đáy của thị trường giá xuống lên mức đỉnh cũ cần ít nhất là 21 tháng. Hiện nay có thể với “tốc độ” 4.0, thời gian sẽ nhanh hơn, từ 21 xuống 11 tháng hoặc 8 tháng, nhưng dữ liệu lịch sử thì là con số 21 tháng.
Khó khăn thứ hai là mối lo về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đến giờ phút này, theo ông Hưng, không ai có thể nói trước được cuộc chiến này sẽ diễn biến như thế nào và ảnh hưởng sẽ lan rộng đến đâu. Mặt khác, diễn biến giá dầu giảm mạnh đang khiến những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống dần lan rộng.
Khó khăn cuối cùng được ông Hưng đề cập là những bất ổn chính trị giữa các cường quốc: Trung - Mỹ, Nga - Mỹ. Những diễn biến này sẽ tạo nên năm 2019 nhiều bất ổn, khó lường trước. Ảnh hưởng chung của thị trường thế giới là không thể tránh khỏi, nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam.
"Việt Nam khác Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu rất nhiều. Cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ là cơ hội cho Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu. Điều này không có nghĩa là việc tăng thị phần xuất khẩu sẽ xảy ra ngay vì năng lực sản xuất của nước ta có giới hạn nhưng đây sẽ là cơ hội để xây dựng chiến lược trung và dài hạn, cơ cấu tăng trưởng nền kinh tế dần dựa vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà bớt phụ thuộc vào bất động sản", ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Nguồn: Hoàng Nhật - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)