Đổ vốn vào công nghiệp chế biến

Thứ hai, 07 Tháng 1 2019 08:47 (GMT+7)
Các doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nông sản, nhắm tới thị trường 7,5 tỉ người trên thế giới

Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp năm 2018 diễn ra tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong 10 năm nữa là đưa Việt Nam vào tốp 15 quốc gia phát triển nhất thế giới. Riêng lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản phải có mặt trong tốp 10.

Những vụ đầu tư ngàn tỉ

Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đang thu hút mạnh các nhà đầu tư. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2018, cả nước có 16 nhà máy được khởi công và khánh thành với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỉ đồng. Tất cả các nhà máy trên đều đầu tư công nghệ mới nhất nhằm giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông lâm thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Đổ vốn vào công nghiệp chế biến - Ảnh 1.

Chế biến xoài tại nhà máy Tanifood (thuộc Công ty CP Lavifood)

Ngày 6-1, tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, Nhà máy Chế biến rau củ quả Tanifood của Công ty CP Lavifood khánh thành sau 18 tháng xây dựng trên diện tích gần 15 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 1.780 tỉ đồng, công suất chế biến 60.000 tấn thành phẩm/năm. Tanifood là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn Lead Silver của Mỹ, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Lavifood, cho biết với dây chuyền sản xuất cùng lúc nhiều mặt hàng, công ty có thể thu mua đến 80% nông sản cho nông dân trong khi thương lái chỉ mua được khoảng 50%. Trước mắt, tiêu chuẩn thu mua của nhà máy là nông sản VietGAP: loại 1 sẽ xuất khẩu tươi; còn loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai.

Cuối năm 2018, Nhà máy Sản xuất dừa tươi Kim Thanh - Bến Tre của Công ty TNHH TM-DV XNK Vina T&T khởi công, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019 với công suất 25 triệu trái dừa tươi/năm. Nhà máy có vốn đầu tư khoảng 50 tỉ đồng, sẽ giúp tăng thời gian bảo quản trái dừa tươi, tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Quan trọng hơn là giúp ổn định đầu ra quanh năm cho nông dân, tránh tình trạng được giá trong mùa nắng nóng và rớt giá trong mùa lạnh.

Lĩnh vực rau quả đang thu hút mạnh các nhà đầu tư do thị trường thế giới tăng trưởng tốt. Hiện cả nước có 1,6 triệu ha canh tác rau củ quả với sản lượng 25 triệu tấn nhưng năng lực chế biến chỉ được 1 triệu tấn. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn số liệu ngành rau quả xuất khẩu liên tục tăng trưởng hơn 15%/năm trong 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 3,8 tỉ USD. "Cả nước có hơn 150 nhà máy chế biến rau quả, dư địa của lĩnh vực này còn rất lớn với thị trường hơn 7,5 tỉ người tiêu dùng trên thế giới" - ông Cường tin tưởng.

Động lực từ kinh tế tư nhân

Nếu như rau quả là lĩnh vực mới nổi, cần thời gian để có mặt trên bản đồ thế giới thì các ngành thủy sản, hạt điều, tiêu… đã có bước tiến dài. Nổi bật là ngành thủy sản với kim ngạch xuất khẩu trên 9 tỉ USD trong năm 2018. Công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam được các chuyên gia đánh giá thuộc tốp 5 trên thế giới. Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thành quả này có được là nhờ nhà nước sớm coi tư nhân là động lực phát triển. Sự phát triển của ngành này dựa hoàn toàn vào DN tư nhân chứ không phải DN nhà nước hay DN nước ngoài.

Tương tự, ngành hồ tiêu Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu và sở hữu 20 nhà máy xử lý, chế biến hồ tiêu hiện đại bậc nhất thế giới (một số nước trồng hồ tiêu lớn như Indonesia chỉ có 2 nhà máy và Campuchia chưa có nhà máy nào). Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho hay 100% DN hồ tiêu là của tư nhân hoặc DN nhà nước đã cổ phần hóa. "DN tư nhân luôn rất nhanh nhạy với sự thay đổi của thị trường nên đầu tư bắt kịp xu hướng. Sắp tới, ngành sẽ phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng như tiêu xay, tinh dầu hồ tiêu, xử lý hồ tiêu thành nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm và dược phẩm" - bà Oanh lạc quan.

Ưu tiên vốn cho nông nghiệp

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cam kết hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2019. Năm 2018, tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp tăng cả về tốc độ và tỉ trọng cho vay. Cụ thể, dư nợ lĩnh vực này đạt 1,7 triệu tỉ đồng, tăng 15,5% so với năm 2017 (bình quân toàn hệ thống tăng 14%), chiếm 24% dư nợ cho vay toàn nền kinh tế (trước đây khoảng 21%). Đáng chú ý, khoảng 450.000 tỉ đồng cho vay không có tài sản bảo đảm, doanh số cho vay nông nghiệp công nghệ cao là 45.000 tỉ đồng, dư nợ hiện tại 40.000 tỉ đồng. Các lĩnh vực cho vay chính gồm chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao, xuất khẩu cá tra, gạo, tổn thất sau thu hoạch...

Nguồn: Vương Ngọc - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế