Ông Út Bằng bên sản phẩm hoa chậu trồng trong nhà màng chuẩn bị cho thị trường Tết.
Thạc sĩ Lê Thị Thúy Kiều, chủ nhiệm dự án, cho biết: Dự án hoàn thành vào tháng 9-2018, đạt được mục tiêu đề ra là hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất hoa chậu phục vụ trang trí nội, ngoại thất tại Làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ. Đáng chú ý là dự án đã xây dựng 2 mô hình “kiểu mẫu” sản xuất hoa chậu để nhân rộng trong thời gian tới.
Hộ ông Huỳnh Văn Bằng (Út Bằng), ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, được ban chủ nhiệm dự án triển khai, hỗ trợ nhà màng với diện tích 120m2, hệ thống tưới nhỏ giọt và giống trồng thử nghiệm gồm: cúc hạnh phúc, cúc kim cương, dạ yên thảo kép (để bàn và chậu treo), một số loại kiểng lá màu. Đây là những giống hoa có tán nhỏ, gọn, hoa có màu sắc rực rỡ, thích hợp trang trí trong nhà, phòng làm việc… Đặc biệt, với việc dùng chậu nhỏ, chắc và ít giá thể (được hiểu là đất trồng hoa) nên người dùng có thể trưng bày ngay mà không cần thay chậu, giá thể.
Thạc sĩ Lê Thị Thúy Kiều phân tích: Do hoa chậu trồng trong nhà màng nên chủ động được thời tiết, kiểm soát được độ ẩm và sâu bệnh, ít rủi ro, hao hụt do ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết. Những điều này còn giúp hoa chậu thành phẩm có chất lượng đẹp, hấp dẫn khách hàng. Các giống hoa kiểng có thời gian ngắn ngày, từ 40-60 ngày. Kích thước mỗi chậu nhỏ gọn nên có thể tận dụng tối đa diện tích, lại tận dụng được không gian nhờ phân tầng canh tác: tầng trên trồng hoa chậu, tầng dưới trồng kiểng lá ưa bóng râm. Các giống hoa kiểng có khả năng tự nhân giống như giâm cành hay tách chồi do đó nông dân chỉ tốn tiền lần mua giống cấy mô đầu tiên mà sử dụng được cho nhiều lần sau.
Về phần nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, giàn treo, giàn trồng… chi phí khoảng 120 triệu đồng cho diện tích 120m2. Độ bền nhà màng khoảng 10 năm, tấm lợp khoảng 3 năm. Vì vậy, chỉ cần 6 tháng đầu trồng hoa chậu đã có thể thu hồi vốn và cho sinh lợi từ tháng thứ 7. Ước tính, với kỹ thuật trồng hoa chậu này, mỗi năm nhà nông thu lợi nhuận khoảng 248 triệu đồng, tức trung bình khoảng khoảng 20,7 triệu đồng/tháng, mà chỉ cần diện tích 120m2.
Ông Út Bằng nhẩm tính, khi chưa tham gia dự án, với 1.500m2 đất sản xuất hoa vạn thọ theo kiểu truyền thống, trung bình mỗi tháng ông xuất bán 1.000 cây, trừ chi phí lãi khoảng 5 triệu đồng, với 2 người làm chính. Nhưng khi hoa chậu trồng nhà màng cho lợi nhuận, mỗi tháng ông Út Bằng thu về khoảng 20,7 triệu đồng, tức tăng lên hơn 4 lần mà chỉ cần tốn chưa tới 1/10 diện tích. Một hộ dân khác được triển khai dự án là ông Lâm Quang Hồng (phường Long Hòa, quận Bình Thủy), cho biết: Sau khi trừ chi phí như giống, chậu, giá thể, phân bón và nhân công- khoảng 10.000 đồng/chậu, với giá bán hiện tại: cúc hạnh phúc (35.000 đồng/chậu), cúc kim cương, dạ yên thảo, kim công, trầu đế vương (40.000 đồng/chậu) thì tỷ suất lợi nhuận của ông Hồng lên đến từ 2.5-3.0.
Còn với hộ anh Nguyễn Văn Dũng (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) sau khi nghe giới thiệu dự án đã đăng ký tham gia nhưng chưa có khả năng làm nhà màng. Dự án hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng hoa chậu. Anh Dũng cho biết, hoa chậu đang phát triển rất tốt, dự kiến mùa Tết này anh xuất bán khoảng 4.000 chậu, hiện đã có thương lái đến xem và thỏa thuận thu mua bởi mặt hàng này bán rất chạy. Anh Dũng cho biết sẽ mở rộng mô hình và rất vui khi hay tin ban chủ nhiệm dự án sẽ hỗ trợ cho anh nhà màng với chi phí thấp trong thời gian tới. Điểm thú vị là sau khi hoa chậu đã có hàng cung ứng ra thị trường, các cửa hàng hoa kiểng tìm đến mua rất đông; nhà ông Lâm Quang Hồng trở thành nơi mua bán hoa chậu quanh năm, giống hoa và phụ liệu trồng hoa chậu cũng như nơi trao đổi kinh nghiệm sản xuất hoa chậu của những ai quan tâm.
Thạc sĩ Lê Thị Thúy Kiều, chủ nhiệm dự án, cho biết: Dự án đã nghiên cứu hoàn thiện 3 quy trình sản xuất hoa kiểng chậu gồm: cúc chậu mini, dạ yên thảo kép và trầu bà đế vương, tập huấn chuyển giao cho 20 hộ dân và cán bộ khuyến nông ở Bình Thủy. Thống kê sơ bộ, vụ Tết này, Làng hoa Phó Thọ- Bà Bộ sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 chậu hoa để bàn và treo với chất lượng đẹp, giá cả ổn định ở mức cao. Rõ ràng, đây là định hướng sản xuất mới, giúp nâng cao giá trị nông sản cho nông dân, rất cần được triển khai, nhân rộng.