Thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng chất lượng cao

Thứ ba, 12 Tháng 2 2019 08:33 (GMT+7)
Trong điều kiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, ngành nông nghiệp Cần Thơ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả thâm canh sản xuất lúa. Hỗ trợ nông dân phát triển mô hình cánh đồng lớn và các mô hình liên kết sản xuất gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật và có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp.

Tích cực hỗ trợ nông dân

Năm qua, nông dân tại thành phố gieo trồng lúa trong 3 vụ đạt tổng diện tích 237.318ha, vượt 9,4% kế hoạch, với sản lượng lúa hơn 1,429 triệu tấn, vượt 8,47% kế hoạch. Trong đó, mỗi vụ lúa có từ 20.300-25.000ha lúa của nông dân tham gia mô hình "cánh đồng lớn" và  "cánh đồng lúa sạch".

Sản xuất rau màu tại vùng sản xuất rau màu tập trung ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Sản xuất rau màu tại vùng sản xuất rau màu tập trung ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Được sự hỗ trợ của ngành chức năng, nông dân cũng tích cực chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa 3 vụ kém hiệu quả sang các mô hình luân canh lúa-màu, lúa-thủy sản và các mô hình chuyên canh rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái giúp mang lại hiệu quả cao. Ngành nông nghiệp  khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản có giá trị cao. Diện tích gieo trồng rau màu, đậu các loại trong năm qua đạt 13.777ha, vượt 23,01% kế hoạch, với sản lượng thu hoạch 151.458 tấn, vượt 25,48% kế hoạch. Đến nay, thành phố có 18.436ha cây ăn trái, vượt 7,5% kế hoạch với sản lượng thu hoạch 111.525 tấn, vượt 13,22% kế hoạch.

 Xu hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị được nhân rộng. Thành phố đã hình thành được vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 229ha, vùng trồng hoa kiểng với diện tích trên 50ha và nhiều vùng cây ăn trái tập trung, sản xuất theo VietGAP và các quy trình tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thân thiện môi trường. Bước đầu, nông dân và doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất rau, cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao như: rồng rau trong nhà lưới, rau thủy canh, áp dụng hệ thống tưới phun tự động trên rau, cây ăn trái... để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tại thành phố cũng có các mô hình vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5- 2 lần so với chuyên canh cây ăn trái.

Công tác ứng dụng kỹ thuật trong chăn nuôi được tăng cường nên năng suất và chất lượng đàn gia súc gia cầm và thủy sản được nâng cao. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, thành phố có 73 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và trên 222,3ha nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, BMP, ASC, SQF... Năm 2018, tổng diện tích nuôi thủy sản 10.055ha, vượt 18,29% kế hoạch, với tổng sản lượng 217.385 tấn, vượt 7,62% kế hoạch. Hiện thành phố có tổng đàn bò 5.027 con, vượt 0,54% kế hoạch; đàn heo 130.240 con, vượt 0,18% kế hoạch; đàn gia cầm hơn 2 triệu con, vượt 0,03% kế hoạch...

Tiếp tục phát huy

Năm 2019, ngành nông nghiệp Cần Thơ phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông nghiệp và thủy sản 1,2% so với năm 2018. Diện tích lúa cả năm 216.040ha với tổng sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn. Rau màu và đậu các loại 12.550ha với sản lượng đạt 126.200 tấn. Cây ăn trái 19.150ha với sản lượng 100.000 tấn. Diện tích nuôi thủy sản 8.400ha với sản lượng nuôi đạt 198.000 tấn. Tổng đàn heo 136.000 con, đàn gia cầm 1.900.000 con. Sản lượng thịt hơi các loại 37.500 tấn.

Năm 2019 ngành nông nghiệp thành phố xác định mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020. Quan tâm tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô phù hợp lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngành nông nghiệp thành phố và các địa phương tiếp tục hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp. Từng bước nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân gắn với phát triển sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, theo tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và thực hiện liên kết vùng, tiểu vùng. Nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai… Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết, Phong Điền hiện có hơn 7.400ha cây ăn trái và chỉ còn hơn 2.500ha lúa. Chính nhờ trồng cây ăn trái mà nhiều hộ gia đình tại huyện đang có thu nhập từ 200-400 triệu đồng/ha/năm trở lên. Song, để phát triển trồng cây ăn trái bền vững, đòi hỏi ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ nông dân tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, nhà tiêu thụ để đảm bảo đầu ra sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục có các hoạt động tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ vốn để nông dân lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tự động cho cây và ứng dụng các máy móc, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất. Qua đó, giúp chăm sóc tốt cây và chủ động phòng trị dịch hại, đảm bảo năng suất, chất lượng, tuổi thọ của cây và hạ được giá thành sản phẩm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè,  năm qua còn dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp tại thành phố đạt được kết quả rất tốt khi nhiều sản phẩm nông nghiệp như: lúa, trái cây, cá tra, heo... "được mùa, được giá".  Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, với hơn 13.474,1 tỉ đồng, vượt 4,1% kế hoạch. Diện mạo nông thôn khởi sắc, các cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn được đầu tư phát triển. Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm nông nghiệp được quan tâm tăng cường. Kinh tế hợp tác có nhiều tiến bộ, có nhiều hợp tác xã nông nghiệp vươn lên làm ăn có hiệu quả cao, hàng nông sản Cần Thơ vươn ra  nhiều thị trường quốc tế...  Để phát huy các thành tích đạt được, tới đây chúng ta cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác. Đặc biệt, cần thúc đẩy liên kết giữa nông dân với nhau và với các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất đến khu tiêu thụ để phát triển sản xuất bền vững.

 

Nguồn: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế