Làm giàu từ cây mãng cầu

Thứ tư, 13 Tháng 2 2019 14:42 (GMT+7)
Nhiều năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ đã từng bước vươn lên khấm khá, ổn định cuộc sống. Trong đó, cây mãng cầu được nhiều người lựa chọn làm cây trồng chủ lực. Không chỉ bán trái, với cây mãng cầu, bà con nông dân nơi đây còn sáng kiến làm ra nhiều món ngon, lạ, như: trà mãng cầu, rượu mãng cầu,…

Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ đến thăm mô hình trồng mãng cầu tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn mãng cầu trĩu quả, chú Nguyễn Hữu Hận ở ấp 7, xã Thới Hưng, bộc bạch: "Tôi trồng mãng cầu từ năm 2016. Thời điểm đó, bà con nơi đây trồng xoài, riêng tôi chọn mãng cầu. Đây là loại cây ăn trái nông dân có thể quyết định thời gian cho trái, giá cả lại tương đối ổn định. Trên 30 công đất, tôi trồng khoảng 4.000 gốc mãng cầu". Theo chú Hận, để trồng mãng cầu đạt năng suất cao, khoảng nửa tháng bón phân 1 lần, 10 ngày xịt thuốc 1 lần. Để tránh ruồi vàng tấn công, mỗi trái mãng cầu đều được bao trái. Bình quân mỗi cây mãng cầu thu hoạch được khoảng 40 ký trái. Hiện nay, mỗi năm, vườn mãng cầu nhà chú Hận thu hoạch đạt khoảng 200 tấn, mang lại thu nhập trên 2 tỉ đồng.

Với giá trị kinh tế cao, ngày càng nhiều bà con nông dân lựa chọn trồng mãng cầu trên đất Thới Hưng. Theo nhiều nông dân, lắm lúc giá cả trái mãng cầu cũng "lên - xuống" bấp bênh, khiến bà con lao đao. Trong thời điểm khó khăn đó, nhiều hộ đã có ý tưởng làm trà và rượu mãng cầu, mang đến luồng sinh khí mới trong hướng phát triển kinh tế tại địa phương. Là một trong những người đầu tiên làm trà mãng cầu tại ấp 7, chú Vũ Văn Hiến, bộc bạch: "Trong những lúc giá bán bèo bọt, gia đình tôi thử nghiệm làm trà mãng cầu. Trước, chủ yếu chỉ để làm trong gia đình và bà con lân cận uống thử vì đây là thức uống tốt cho sức khỏe. Về sau, nhiều người biết đến món trà này và đặt mua". Hiện nay, bình quân mỗi tháng, chú Hiến sản xuất khoảng 50 ký trà, với giá bán từ 250.000 đồng/ký. Chú Hiến chia sẻ: "Bước đầu, tôi và bà con nơi đây chủ yếu sản xuất trà theo hình thức thủ công. Để làm trà mãng cầu ngon, phải chọn trái già đạt đủ độ đường và độ thơm. Sau khi gọt vỏ, xắt sợi thì phơi nắng. Sau đó, sao vàng và bảo quản trong bọc kín. Tôi rất mong muốn Hội Nông dân các cấp sẽ hỗ trợ bà con nơi đây xây dựng thành công thương hiệu trà mãng cầu tại xã Thới Hưng".

Cũng giống chú Hiến, chú Nguyễn Hữu Hận, ngụ tại ấp 7, xã Thới Hưng cũng bắt đầu làm trà và rượu mãng cầu. Chú Hận chia sẻ: "Do tình hình giá cả thị trường không ổn định, nên tôi mày mò thử nghiệm làm các món mới. Để làm trà mãng cầu ngon, phải chọn trái vừa có độ bóng, căng da thì trà mới có độ thơm, hậu ngọt. Riêng đối với rượu mãng cầu thì không cần chọn trái đẹp. Rượu mãng cầu có vị thơm, ngọt dịu, dễ uống, càng để lâu càng ngon. Do chỉ mới sản xuất ít ỏi nên tôi chỉ bán với giá 100.000 đồng/lít rượu". Không chỉ làm trà, rượu, chú Hận còn làm mứt mãng cầu. Chú kể: "Mứt mãng cầu vị chua ngọt vừa ăn nên bà con rất chuộng. Có những lúc cao điểm, mỗi tuần tôi làm bán trên 80 ký mứt mãng cầu, thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày".

Theo ông Lê Quang Năng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Hưng, toàn xã có 2.384ha trồng cây ăn trái, trong đó có khoảng 223ha trồng mãng cầu. Để giúp hội viên phát triển mô hình, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác trồng mãng cầu Thới Hưng. Hiện nay, trên địa bàn xã cũng có trên 6 hộ thử nghiệm làm trà và rượu mãng cầu. Hội cũng đã và đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để từng bước xây dựng thương hiệu trà và rượu mãng cầu, góp phần giúp bà con nông dân nâng cao mức sống.

Theo ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, hiện nay, toàn thành phố có 1.409 tổ hợp tác với khoảng 54.800 thành viên tham gia. Ngoài ra, còn có 278 hợp tác xã đã và đang hoạt động hiệu quả; trong đó, có 128 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Với mong muốn hỗ trợ bà con nông dân phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân thành phố luôn tích cực nắm bắt tình hình để xây dựng các hình thức hỗ trợ phù hợp, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản. Qua đó, góp phần nâng cao mức sống của bà con. Hiện nay, nhãn hiệu cam xoàn Thới An và nhãn Ido Thới An (quận Ô Môn); bò sữa Long Hòa (quận Bình Thủy); heo an toàn xã Định Môn (huyện Thới Lai) đã có giấy chứng nhận. Các sản phẩm: gạo an toàn Thạnh Đạt (huyện Vĩnh Thạnh), mãng cầu xiêm Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ), rau an toàn Thốt Nốt (quận Thốt Nốt), nhãn Ido Đồng Tâm (huyện Thới Lai), sầu riêng Tân Thới (huyện Phong Điền), rau an toàn phường Hưng Thạnh (quận Cái Răng) đang chờ công nhận và hoàn thiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản.

Nguồn: Hồng Vân - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế