Giữ nước ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Nguồn nước đang suy kiệt

Thứ hai, 18 Tháng 2 2019 10:15 (GMT+7)
Theo các chuyên gia, vùng ĐBSCL phụ thuộc vào hơn 80% tổng lượng nước ngọt hằng năm từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Nhờ vào đó, lượng phù sa bồi đắp đã tạo nên một đồng bằng châu thổ phía hạ lưu. Những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy TNN ở ĐBSCL đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng cũng như sự thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa…
Nước là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sinh hoạt, sản xuất và văn hóa của người Việt Nam nói chung và của người dân vùng ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, khoảng 2 thập kỷ gần đây, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động khác đang và sẽ là những thử thách rất lớn uy hiếp an ninh nguồn nước cũng như sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL. Đã đến lúc cần chú trọng các giải pháp quản lý tổng hợp, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước (TNN), bảo đảm cơ sở phát triển bền vững lâu dài cho vùng ĐBSCL.

Nước mặt suy thoái, nguồn nước ngầm cạn kiệt là một trong những nguyên nhân gây sạt lở tại ĐBSCL. Trong ảnh: Sạt lở tại tỉnh An Giang.

Nước mặt suy thoái, nguồn nước ngầm cạn kiệt là một trong những nguyên nhân gây sạt lở tại ĐBSCL. Trong ảnh: Sạt lở tại tỉnh An Giang.

Nguy cơ suy thoái

Thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 thủy điện trong đó khoảng 1/4 đang trong quá trình xây dựng hoặc dự kiến xây dựng. Bên cạnh đó, các kế hoạch lấy/chuyển nước sông Mekong để tưới, mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp của các quốc gia trong khu vực đang đặt ĐBSCL vào những nguy cơ nghiêm trọng trong tương lai. Theo nhận định của các chuyên gia, việc khai thác TNN trên thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, lượng nước lũ về ĐBSCL, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng.

Mặt khác, biến đổi khí hậu là yếu tố tạo tác động lên TNN ở ĐBSCL. Theo nhiều kết quả mô phỏng toán học theo các kịch bản phát thải khí nhà kính đều cho thấy trong tương lai, nhiệt độ khu vực có xu thế gia tăng dần khiến khô hạn nghiêm trọng hơn, lượng mưa đang thay đổi thất thường, sự phân bố lượng mưa theo tháng đang có dấu hiệu biến động khác với những quy luật nhiều năm trước, bão tố dường như đang có hướng dịch chuyển xuống các tỉnh phía Nam vào cuối năm và khó dự báo hơn. Hiện tượng nước biển dâng đang diễn ra làm đe dọa TNN không chỉ riêng cho các tỉnh vùng ven biển mà còn liên quan đến các vùng nước trong nội vùng ĐBSCL.

Cùng với đó, chính sách phát triển kinh tế quá nhanh nhưng thiếu kiểm soát, cộng thêm yếu tố gia tăng dân số khiến chất lượng nguồn nước ở ĐBSCL đang trở nên xấu hơn. Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cần nhìn nhận lại ô nhiễm nguồn nước không chỉ do hoạt động công nghiệp mà có 2 nguồn không được quan tâm nhiều, đó là: ô nhiễm từ nông nghiệp và từ sinh hoạt. Tất cả các nguồn ô nhiễm đều đi xuống nguồn nước. Cụ thể, việc đẩy mạnh các hình thức thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, các chất hữu cơ chưa phân hủy...; tập quán cất nhà, họp chợ, chăn nuôi ngay bên sông, kênh, rạch. Hầu hết các tỉnh, thành trong vùng đều có hình thành các khu công nghiệp, khu chế biến và các nhà máy ven sông lớn nhưng chưa chú trọng xử lý nước thải công nghiệp càng làm chất lượng nước suy thoái tới mức báo động…

Hệ lụy

Tính toán sơ bộ, tác động tích lũy của dự án thủy điện trên dòng chính cùng với các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mekong có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng cho ĐBSCL. Theo đó, năng suất cây trồng được dự báo sẽ giảm từ 0,6-1 tấn/ha. Những vấn đề này, trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống và tính mạng người dân vùng ĐBSCL. Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Xâm nhập mặn diễn ra dựa vào ba điều kiện: nước từ thượng nguồn đổ về ít, nước từ biển dâng cao và sự sụt lún của ĐBSCL. Tuy nhiên vấn đề thiếu nước ngọt ở thượng nguồn vẫn còn có cơ hội bổ sung từ mưa, vấn đề nước biển dâng không phải là câu chuyện một sớm một chiều, còn vấn đề sụt lún do thiếu phù sa bồi cho ĐBSCL mới thật sự nguy hiểm vì nó mất đi là mất vĩnh viễn, không có cơ may phục hồi.

TP Cần Thơ ngập sâu gây ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống người dân.

TP Cần Thơ ngập sâu gây ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống người dân.

Các số liệu quan trắc thủy văn cho thấy từ trận lũ lịch sử năm 2000 đến nay, dòng chảy mùa lũ từ thượng nguồn xuống vùng đồng bằng ngày càng giảm sút rõ rệt, năm 2010 được xem là năm mà có dòng chảy thấp nhất hàng thập kỷ nay. Lũ thấp kết hợp với tình trạng khô nóng làm nhiều vùng ven biển bị khô hạn nghiêm trọng, nước mặn từ biển Đông xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nơi gặp khó khăn hơn trong việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, do không gian chứa nước lũ từ hai vùng trũng là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười ngày càng bị suy giảm nên nhiều vùng đất ở hạ lưu bị ngập sâu hơn và kéo dài thời gian ứ nước hơn, nhiều bờ sông bị sạt lở do dòng chảy gia tăng tốc độ. Nguồn nước mặt khan hiếm và suy giảm chất lượng dẫn đến dự khai thác ồ ạt qua các giếng khoan tư nhân, sự thiếu kiểm soát làm nguồn nước ngầm đang có dấu hiệu xấu đi. Nhiều nơi nước ngầm sụt giảm 3-5m so với nhiều năm trước, chất lượng nước kém đi vì nhiễm thạch tín, phèn...

Thực tế những năm gần đây cho thấy, tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn, khô hạn, lũ lụt… diễn biến ngày một gay gắt, bất thường và khó lường. Chỉ mới tháng đầu năm 2019, đã có hiện tượng mặn đến sớm, triều cường bất thường tại ĐBSCL. Cụ thể, từ ngày 22 đến 24-1 vừa qua, tại Cần Thơ triều cường trên sông Hậu đột ngột dâng cao từ 20-40cm (từ trước đến nay triều cường thường kết thúc vào tháng 11 Âm lịch) gây ngập nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố. Trong khi đó, tại Bến Tre độ mặn 4‰  xâm nhập sâu từ 40-50km vào các sông Cửa Đại, Cổ Chiên và sông Hàm Luông. Đây được xem là năm mặn xâm nhập sớm vào Bến Tre và khu vực ĐBSCL. Trước đó, đỉnh lũ tại Cần Thơ vào tháng 9 Âm lịch ghi nhận cao nhất lịch sử. Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, cho biết: So với năm 2017, đỉnh lũ năm 2018 cao hơn 0,14m, đây là vấn đề lớn vì đột ngột tăng khá cao. Cùng với đó, đỉnh triều cao nhưng chân triều cũng cao, lạ so với quy luật bình thường, gây khó khăn trong tiêu nước. Bởi nước chưa kịp rút đã lên lại!

Được mệnh danh là vùng đất sông nước, nhưng câu chuyện thiếu nước ngọt vào mùa khô diễn ra ở nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL. Dù đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp nhưng hiện nay tại tỉnh Cà Mau số hộ dân đang thiếu và chưa chủ động nước sinh hoạt là 9,44%, tương đương hơn 21.000 hộ; chủ yếu ở các huyện Năm Căn, U Minh, Trần Văn Thời… Được biết, trong số này còn rất nhiều hộ đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt thường xuyên, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc nghèo hiện phải sử dụng nước kênh rạch và vào mùa khô phải đi mua nước với giá khá cao. Chị Lê Thị Bế ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, chia sẻ: Cứ đến mùa khô, người dân nơi đây lại thấp thỏm nỗi lo thiếu nước ngọt. Dù có trữ nước lu, khạp và sử dụng hết sức tiết kiệm nhưng vẫn không đủ cho gia đình. Kênh, rạch cạn nước phải trông chờ trời mưa, mua nước ngọt để sử dụng…

Trong khoảng 6 năm trở lại đây, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn đi vào sâu trong đất liền cả trăm cây số. Điển hình là mùa khô năm 2016, đợt hạn, mặn lịch sử  diễn ra 9/13 tỉnh trong vùng gây thiệt hại khoảng 5.600 tỉ đồng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất với trên 160.000ha đất canh tác và khoảng 600.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt. Sản xuất khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến người nông dân “bỏ đất”. Anh Nguyễn Thanh Hải ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cho biết: Nếu như trước đây nước ngọt quanh năm, hiện nay tại địa phương xảy ra tình trạng mặn xâm nhập do nước cạn, sạt lở mất diện tích đất làm người nông dân phải lao đao. Xã Vĩnh Kim vốn nổi tiếng với vú sữa Lò Rèn, hiện tại vú sữa đã chết khoảng 80%, các loại cây khác khó trồng, năng suất thấp. Nông dân có đất nhưng sản xuất không hiệu quả, không có lãi, dẫn đến nhiều người “bỏ đất” đi làm thuê mướn cho các công ty, xí nghiệp…

Nguồn: LẠC MẪN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế