Giữ nước ngọt cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long - Bài 2: Chủ động quản lý và sử dụng hiệu quả

Thứ tư, 20 Tháng 2 2019 08:31 (GMT+7)
Trong những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước (TNN) từng bước hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý cơ bản cho công tác quản lý TNN từ Trung ương đến địa phương. Cùng với đó, các địa phương khu vực ĐBSCL triển khai nhiều giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước.

Tạo lập hành lang pháp lý

Đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý TNN trong tình hình mới, Luật TNN năm 2012 được Quốc hội thông qua. Ngay sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, trình ban hành tổng số 37 văn bản quy phạm pháp luật. Đây là những công cụ pháp lý hữu hiệu đóng góp quan trọng trong nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TNN. Theo ông Lương Hồng Tân, Phó Trưởng phòng Khoáng sản và TNN, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, bảo vệ TNN đã được luật hóa ở Luật TNN năm 2012, trong đó, nổi bật là Nghị định 43/2015/NĐ-CP quy định hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm phòng chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Điều này có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, giúp các địa phương chủ động hơn trong việc sử dụng TNN, góp phần giải quyết điểm nóng của ĐBSCL là vấn đề sạt, lở.

Nhiều nông dân tại các địa phương trong vùng ĐBSCL áp dụng mô hình tưới nước tự động, tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất. Ảnh chụp tại Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Năm 2018, ĐBSCL có 3 địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục hành lang bảo vệ TNN, gồm: Tiền Giang, Đồng Tháp và Bạc Liêu và 2 địa phương đang xây dựng Đề cương là Cần Thơ, Sóc Trăng. Cùng với đó, việc triển khai thi hành Nghị định 82/2017/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác TNN đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng TNN và Biến đổi khí hậu thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết: Nghị định 82 là bước tiến bộ trong quản lý TNN. Nếu trước đây các cơ sở kinh doanh và cấp nước xem nước là "của trời cho", tùy ý sử dụng, thì giải pháp kinh tế làm họ xem xét lại cách sử dụng hiệu quả hơn để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, cơ quan quản lý có thêm nguồn thu để thực hiện công tác quản lý TNN…

Với hành lang pháp ngày càng hoàn thiện, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về TNN ở các địa phương từng bước đi vào nền nếp. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Công tác cấp phép khai thác sử dụng TNN mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc cấp phép khai thác TNN thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND thành phố: Nơi nào có hệ thống cấp nước máy đảm bảo cung cấp về số lượng và chất lượng thì không cấp và gia hạn giấy phép khai thác TNN để phù hợp với tình hình của địa phương nhằm bảo vệ TNN dưới đất trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu. Qua công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng TNN cho thấy các tổ chức, cá nhân đều thực hiện tốt các nội dung quy định trong giấy khai thác TNN, chưa phát hiện vi phạm.

Đến hành động…

Trước thực trạng nguồn nước cạn kiệt và suy thoái, để quản lý hiệu quả và bền vững TNN, các địa phương khu vực ĐBSCL triển khai nhiều giải pháp. Ông Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng TNN và Biến đổi khí hậu thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết: Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp có hiệu quả nhất định và nỗ lực kiện toàn thể chế chính sách trong quản lý TNN. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh giáp ranh trong khu vực để khai thác và chia sẻ hợp lý nguồn nước, đặc biệt trong vùng Tứ Giác Long Xuyên. 3 năm qua, An Giang đã hợp tác với Kiên Giang và đang mở rộng với Cần Thơ và Hậu Giang. Tỉnh tổ chức các mô hình cho cộng đồng tham gia quản lý TNN bằng nhiều hình thức như: mô hình cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu đồng ruộng… để người dân ý thức được TNN là tài sản chung của cộng đồng…

Trong đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Cuối năm 2018, hồ chứa nước ngọt Ba Tri có tổng vốn đầu tư khoảng 86 tỉ đồng, được xây dựng trên kênh Lấp (huyện Ba Tri) của tỉnh đã đưa vào sử dụng. Theo thiết kế, lượng nước được trữ trong hồ khoảng gần 1 triệu m3 nước phục vụ sinh hoạt cho 200.000 dân và 100.000 gia súc, trên 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 100 trụ sở văn phòng, trường học tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Tri cho các mùa khô sắp tới. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, chia sẻ: Bến Tre đã nghiên cứu, ứng dụng các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để thay đổi tư duy trong sản xuất: Chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng với chiều sâu, từng bước hình thành và phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, như: Mô hình tôm - lúa; mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn dựa trên hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn; mô hình thâm canh bưởi da xanh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống hạn, mặn... Từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và vốn vay, tỉnh đã tập trung đầu tư một số công trình trọng điểm ngăn mặn và nước dâng, trữ ngọt, cấp nước trong điều kiện biến đổi khí hậu đang được triển khai như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, Dự án quản lý nguồn nước tỉnh Bến Tre (JICA3), dự án thủy lợi Nam Bến Tre giai đoạn 1...

Trong những năm gần đây, tại ĐBSCL, thông qua tập huấn kỹ thuật, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thì các dự án phi công trình cũng đã cải thiện lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. Các dự án phân bố rộng phù hợp với yếu tố sinh thái vùng gồm, sinh kế liên quan đến nông lâm ngư nghiệp ven biển gắn với sinh thái rừng ngập mặn; nuôi trồng thủy sản nước ngọt, canh tác lúa, các nghề tiểu thủ công nghiệp khác gắn với hệ sinh thái nước ngọt. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, người nông dân vùng ĐBSCL năng động thay đổi mô hình sản xuất phù hợp với nguồn TNN hiện tại và tiết kiệm nước sản xuất. Theo đó, chuyển dần kiểu canh tác độc canh lúa từ 2-3 vụ sang những kiểu canh tác đa canh trên cả 3 vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Các mô hình này tạo giá trị lợi nhuận cao hơn nhưng vẫn duy trì ít nhất 1 vụ lúa căn bản vào mùa mưa. Điển hình như: mô hình lúa - tôm, mô hình tôm rừng sinh thái ở vùng ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; mô hình đa canh kết hợp lúa - màu - chăn nuôi trên các vùng giồng cát, vùng nước lợ ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre…; mô hình lúa - màu (sen, rau), lúa - cây ăn trái, kết hợp du lịch ở vùng ngập lũ sâu hoặc lũ nông ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long… 

Ngoài ra, để huy động sự tham gia của cộng đồng bảo vệ TNN, các địa phương tranh thủ tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ triển khai nhiều dự án, bước đầu mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: Thông qua các hội thảo, tập huấn từ dự án "Tăng cường sự tham gia các bên liên quan trong quản lý TNN khu vực ĐBSCL" (triển khai năm 2018) do Vương quốc Bỉ tài trợ tại huyện Long Phú và Cù Lao Dung đã góp phần chuyển biến nhận thức của người dân quản lý nguồn nước hiệu quả. Theo đó, hơn 395 hộ đăng ký giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý nước cho sinh hoạt canh tác. Hơn 195 phụ nữ đăng ký sử dụng nước tiết kiệm, an toàn trong nuôi tôm sú, tưới tiêu vườn cây… Chị Trần Thị Thúy, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bộc bạch: "Từ khi tham gia dự án đến nay, tôi hiểu được nước không phải nhiều và không bao giờ hết như suy nghĩ trước đây. Do vậy, tôi và các chị em cùng nhau vận động sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và vừa đủ cho
ruộng rẫy"…

Nguồn: Lạc Mẫn - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế