Linh hoạt với biến động thị trường

Thứ ba, 26 Tháng 2 2019 15:20 (GMT+7)
Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi tiềm lực, sức cạnh tranh, năng suất lao động còn hạn chế, chi phí đầu vào cao và khả năng phải cạnh tranh với những doanh nghiệp cùng lĩnh vực trong và ngoài nước. Năm 2019, nhận định tình hình thị trường sẽ có những thời cơ, thuận lợi đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại TP Cần Thơ đã chủ động thích ứng...

Dây chuyền sản xuất của Chi nhánh Kinh doanh Biti’s Miền Tây thuộc Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên.  

Cạnh tranh là tất yếu

Năm 2019, các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ tập trung ký kết các đơn hàng mới, chủ động nghiên cứu phát triển thị trường nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cả năm. Trong tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố có chiều hướng tăng; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố ước tăng 2,02% so với tháng trước và tăng 8,15% so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,31%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,39%; ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 5,28% so cùng kỳ.

Đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, song nhiều doanh nghiệp nhận định tình hình thị trường năm 2019 sẽ khó khăn hơn. Chi nhánh Kinh doanh Biti’s Miền Tây của Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên hiện có 24 dây chuyền sản xuất với 1.642 công nhân. Theo ông La Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Tổ chức tài nguyên nhân lực và Hành chánh pháp lý Chi nhánh Kinh doanh Biti’s Miền Tây, năm 2019, công ty dự báo sẽ gặp không ít khó khăn bởi việc sụt giảm đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Bên cạnh đó một số nhà máy có xu hướng chuyển dịch về khu vực ĐBSCL nên chi nhánh cũng gặp khó khăn và phải cạnh tranh nhiều hơn trong việc tuyển dụng thêm lao động mới. Một khó khăn nữa là giá nguyên liệu đầu vào tăng song công ty buộc phải nỗ lực giữ giá thành nhằm đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

Thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn bởi những đối thủ trong cùng lĩnh vực ở cả trong và ngoài nước. Bà Nguyễn Thị Tốt, Giám đốc Công ty TNHH Dược Phẩm Phương Nam, chia sẻ: Công ty chuyên sản xuất và kinh doanh dược phẩm và mỹ phẩm với nhà máy sản xuất thuốc được đầu tư và xây dựng theo tiêu chuẩn GMP-WHO. Với doanh số tăng bình quân mỗi năm từ 10-15%, công ty đang phát triển mạnh về dược phẩm và mỹ phẩm và thực hiện gia công sản phẩm cho một số công ty Dược phẩm ở miền Bắc. Ngoài ra công ty còn trang bị dây chuyển sản xuất hiện đại, hệ thống kiểm nghiệm tiên tiến, hệ thống bảo quản tốt. Nhiều sản phẩm do công ty sản xuất đã có mặt trên phạm vi toàn quốc và được người tiêu dùng tín nhiệm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các sản phẩm ngoại nhập đang vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, bắt buộc công ty phải không ngừng cải tiến chất lượng, đa dạng sản phẩm và làm tốt hơn nữa khâu quảng bá nhằm tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Chủ động 

Năm nay, các doanh nghiệp xác định sẽ tập trung củng cố nội lực, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của khách hàng để có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp. Theo ông La Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc Tổ chức tài nguyên nhân lực và Hành chánh pháp lý Chi nhánh Kinh doanh Biti’s Miền Tây, để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2019, công ty tập trung phát triển thị trường nội địa nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm cũng như thu nhập của người lao động. Giải pháp trước nhất là tăng cường đào tạo tay nghề cho đội ngũ công nhân để đảm bảo bố trí sản xuất chủ động nhằm đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng xuất khẩu lẫn nội địa. Ở thị trường nội địa, công ty đang tập trung phát triển dòng sản phẩm Biti’s Hunter với mong muốn vực dậy thương hiệu Biti’s tại thị trường nội địa sau thời gian trầm lắng và dòng sản phẩm này đang nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Hiện tại, hệ thống phân phối ở khu vực miền Tây của công ty đã lên đến 27 cửa hàng. Năm 2019 công ty sẽ hướng đến xây dựng phong cách bán hàng chuyên nghiệp tại hệ thống cửa hàng phân phối và phát triển thêm kênh bán hàng online để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô hiện có tổng công suất nghiền trên 2 triệu tấn xi măng/năm; với 4 nhà máy đóng bao xi măng với tổng công suất 360 tấn/giờ.  Theo ông Lê Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô, các sản phẩm của công ty rất đa dạng với các loại như xi măng bền sunfat, chuyên dùng cho các công trình trong vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn hay các công trình tiếp xúc với nước biển; xi măng cọc đất (xi măng xỉ) chuyên dùng gia cố nền đất yếu bằng phương pháp cọc xi măng đất, đặc biệt thích hợp sử dụng ở ĐBSCL. Công ty còn có xi măng công nghiệp PCB50 chuyên dùng cho các trạm trộn bê tông, các cơ sở sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn; cùng các loại xi măng  PCB40 thông thường khác tùy theo từng mục đích sử dụng. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Với mục tiêu tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 20%, trong năm 2019, công ty sẽ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm xi măng thích hợp với các vùng đất ở ĐBSCL, tăng cường chất lượng và kéo dài tuổi thọ cho các công trình.

Cùng chung nhận định thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã có chiến lược và kế hoạch kinh doanh phù hợp, phát huy hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Nhiều doanh nghiệp chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao tay nghề của người lao động, cân đối chi phí đầu vào và đầu ra để đảm bảo giá thành sản phẩm, gia tăng lợi nhuận. Đặc biệt, một số doanh nghiệp của thành phố đang có chiến lược tập trung nhiều hơn cho thị trường ĐBSCL trên cơ sở không ngừng cập nhật nhu cầu, thị hiếu khách hàng; xem đây là thị trường tiềm năng để cung ứng và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới. 

Nguồn: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế