Ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản: Hợp lực cải thiện chất lượng sản phẩm

Thứ tư, 27 Tháng 2 2019 08:46 (GMT+7)
Thời gian qua, chế biến nông- thủy sản là ngành công nghiệp chủ lực của TP Cần Thơ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp chế biến. Không chỉ vậy, kim ngạch xuất khẩu của ngành đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế chung của thành phố. Do đó, việc đưa ra các chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này là một trong những ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy kinh tế TP Cần Thơ vươn lên và hội nhập một cách tích cực, có hiệu quả vào nền kinh tế thế giới.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An.

Phát huy tiềm năng

TP Cần Thơ có lợi thế nằm ở vị trí trung tâm vùng nguyên liệu nông thủy sản của vùng ĐBSCL. Do đó, hầu hết các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản của thành phố đều có thị trường tiêu thụ ổn định và đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Theo số liệu thống kê, năm 2017, TP Cần Thơ có 249 DN chế biến nông thủy sản và đồ uống, với số lượng lao động là 26.380 người. Sản lượng thủy hải sản hằng năm đạt khoảng 211.000 tấn, gạo xay xát khoảng 4,8 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản khoảng 337,6 triệu USD, thủy sản trên 551 triệu USD, chiếm khoảng 73% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Thành quả trên là nhờ sự nỗ lực không ngừng của DN và chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự phát huy hiệu quả của hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ, thành phố nhằm mục đích hỗ trợ DN xúc tiến thương mại; quảng bá sản phẩm; tiếp cận khoa học, công nghệ, tín dụng ưu đãi; quản trị DN...

Để sản phẩm nông thủy sản của thành phố đảm bảo chất lượng từ gốc, đáp ứng yêu cầu từ các nước nhập khẩu, những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã thực hiện tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, ở cây lúa, thành phố đã xây dựng được các “Cánh đồng lớn” với diện tích trên 18.000 ha/vụ. Hiện nay, “Cánh đồng lớn” đã trở thành phương thức sản xuất tất yếu, đã hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất khép kín với sự liên kết của “4 nhà”; chú trọng đến phẩm chất lúa gạo đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Trong “Cánh đồng lớn”, có 63ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP (được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa Gạo thơm Đồng Vạn) và 100ha lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Lĩnh vực thủy sản, sản xuất cá tra đang hướng theo các quy trình nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: GAP, SQF, ASC, BMP…

Theo ông Nguyễn Quốc Thái, đại diện Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, với sản phẩm chủ lực là sản xuất và chế biến lúa gạo, định hướng đến năm 2020, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao, quy trình khép kín với sản phẩm chủ lực là cây lúa thơm. “Để đạt được mục tiêu nói trên, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, công ty xác định phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đầu tư chiều sâu về kỹ thuật, công nghệ cho dòng sản phẩm lúa thơm. Ngoài ra, công ty còn tập trung cải cách trong công tác quản lý, điều hành, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng và đáp ứng ngày một tốt hơn sự mong muốn của khách hàng. Trong năm 2017, 2018 công ty được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố hỗ trợ 50% chi phí áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến như ISO phiên bản 2015, “Thực hành 5S”...”- ông Nguyễn Quốc Thái cho biết.

Chế biến tinh, sâu

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản của thành phố, nhiều ý kiến cho rằng, TP Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng điểm: Tổ chức rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường chế biến sâu; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy hình thành và phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với hạt nhân là các DN lớn, sớm đưa các DN trong ngành tham gia vào chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu. Về định hướng thu hút đầu tư, thành phố nên ưu tiên phát triển các lĩnh vực sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng cao như sản phẩm chế biến sâu trong ngành thủy sản; khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến sản phẩm thực phẩm, đồ uống truyền thống, đặc trưng để phục vụ du khách và xuất khẩu.

Vốn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN. Tuy nhiên, để có một sản phẩm hoàn chỉnh, mang giá trị gia tăng cao, ngoài vốn, DN cần được hỗ trợ đồng bộ từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ quản lý đến đổi mới thiết bị, công nghệ... “Đó là những kỹ năng về cách sử dụng vốn sao cho hiệu quả, quản trị DN, xây dựng thương hiệu… Ngoài ra, các buổi hội thảo, tập huấn cần đưa vào như những chủ đề về công nghiệp 4.0, những vấn đề DN thường va vấp hoặc gặp trở ngại… Có như thế, bài toán về nâng cao nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh của DN mới được giải quyết triệt để”- bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP Cần Thơ đề xuất. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở ngành hữu quan đẩy mạnh xúc tiến, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt là những thị trường cao cấp để tăng giá trị xuất khẩu. Đồng thời, đề xuất thành phố tăng cường hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trong bảo quản, chế biến nông thủy sản; ưu tiên vốn cho các DN có vùng nguyên liệu, DN liên kết tiêu thụ với lãi suất và thời gian vay
phù hợp…

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản nói riêng, ngành công nghiệp thành phố nói chung cần có sự phối hợp tích cực từ hai phía: chính quyền địa phương và DN. Trong đó, thực hiện nguyên tắc Nhà nước quản lý bằng pháp luật và bằng các chính sách điều tiết thị trường một cách công khai và minh bạch; các DN phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và tôn trọng pháp luật. Tin rằng, với sự nỗ lực hành động của chính quyền địa phương và của DN, ngành công nghiệp chế biến nông thủy sản của Cần Thơ sẽ tận dụng được những cơ hội, vượt qua những thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”.

Nguồn: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế