Phát triển bền vững ngành lúa gạo Giảm chi phí, tăng chất lượng

Thứ năm, 28 Tháng 2 2019 14:18 (GMT+7)
Tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL”. Các tỉnh, thành trong vùng đánh giá lại tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo thời gian qua; đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp giải quyết các nút thắt về sản xuất, cơ chế tín dụng, thương mại… với mong muốn phát triển bền vững, toàn diện ngành lúa gạo.

Thu hoạch lúa đông xuân 2018-2019 tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Giá lúa giảm do nhiều nguyên nhân

Năm 2018, Việt Nam xuất khoảng 6,1 triệu tấn gạo, trị giá 3,06 tỉ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% về giá trị so với năm 2017. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu tiềm ẩn những biến động khó lường. Từ cuối 2018 đến nay, việc tiêu thụ gạo gặp một số khó khăn, giá gạo giảm. Xuất khẩu gạo tháng 1-2019 của nước ta đạt 437.600 tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ. Hiện nguồn cung trong nước đang dồi dào do bước vào thu hoạch vụ đông xuân 2018-2019. Trong khi đó, các giao dịch xuất khẩu ít hơn trong thời gian gần Tết. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thu mua tạm trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. Kết quả là giá lúa tươi những ngày gần đây tại ĐBSCL tăng 200 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu tăng 165 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này được đánh giá là vẫn còn thấp.

Tại tỉnh Đồng Tháp, hiện giá lúa tươi tại ruộng đối với giống IR50404 dao động từ 4.100-4.150 đồng/kg, lúa chất lượng cao dao động từ 4.450-4.500 đồng/kg. Nếu so với cùng kỳ 2018, giá lúa trên giảm bình quân 20% (tương đương giảm 1.000 đồng/kg) và so với giá thành sản xuất thì nông dân từ hòa đến lỗ vốn. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, trong những ngày tới, nếu tình hình xuất khẩu không cải thiện, giá lúa tiếp tục giảm thêm, sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn. Về những “điểm nghẽn” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, phân tích: Đó là chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; sản xuất thiếu tính bền vững... Ngoài ra, năng lực thu mua tạm trữ của doanh nghiệp còn yếu. Chính vì vậy, sự vào cuộc nhanh của ngân hàng và doanh nghiệp sau chỉ đạo của Thủ tướng góp phần rất lớn để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh: Đây là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp thu mua lúa trong dân, bởi với giá và chất lượng lúa hiện tại, khi bán ra, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Các ngành chức năng có liên quan và địa phương phải vào cuộc quyết liệt giúp cho giá lúa được cải thiện, người dân thu được lợi nhuận. Về lâu dài, chúng ta phải tổng rà soát lại một cách căn cơ, chủ động giảm diện tích lúa ở vùng xâm nhập mặn, vùng trũng, vùng khó bơm nước và thay vào đó là trồng những nông sản khác có thị trường tốt hơn...

Theo Bộ NN&PTNT, đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của nước ta có xu hướng giảm do cạnh tranh gay gắt với các nhà xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ và một số nước mới nổi: Campuchia, Myanmar và Pakistan với nhiều loại gạo đạt chất lượng vượt trội. Ngoài ra, Trung Quốc – thị trường xuất khẩu gạo lớn của nước ta đã mở cửa cho gạo từ Ấn Độ, Campuchia, Myanmar. Trung Quốc cũng đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo thông qua đề nghị Việt Nam thống kê lại năng lực sản xuất của 22 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo được Trung Quốc cho phép nhập khẩu. Đây cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo Việt Nam chững lại. Ông Phạm Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết: “Đầu tháng 2-2019, giá lúa gạo giảm là do tác động cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do tín hiệu thị trường nhập khẩu chưa rõ ràng trong khi đó nguồn cung vụ đông xuân- vụ lúa lớn nhất trong năm dồi dào và thu hoạch sớm hơn so với các năm trước”.

Thoát khỏi lối mòn

Dù còn khó khăn, nhưng triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian tới được dự báo sẽ có chuyển biến tích cực do nhu cầu thị trường vẫn khá. Năm 2019, diện tích lúa trên cả nước là 7,53 triệu ha, năng suất trung bình dự kiến 58,1 tấn/ha,  sản lượng lúa đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu. Đối với xuất khẩu gạo, Chính phủ tiếp tục dành sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời và có nhiều quyết sách tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhấn mạnh: “Mô hình “Cánh đồng lớn” liên kết theo chuỗi giá trị bây giờ vẫn còn giá trị, giải quyết được tình trạng giảm giá lúa như trên. Tuy nhiên, ở ĐBSCL, doanh nghiệp muốn đầu tư “Cánh đồng lớn” phải có thêm vốn. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tăng hạn mức cho vay”. Đại diện phía ngân hàng, ông Nghiêm Xuân Thành,  Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), khẳng định: “Vốn không thiếu cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ cân đối và nhanh chóng giải ngân; tuy nhiên, doanh nghiệp phải chứng minh được có phương án kinh doanh khả thi”.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng, cần xác lập tầm nhìn dài hạn, thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” đối với ngành hàng có tác động đến hàng triệu nông dân. “Để thoát khỏi “lời nguyền” chi phí cao, chất lượng kém hướng đến giảm chi phí, tăng chất lượng,  nông dân phải cùng liên kết, hợp tác với nhau một cách tự nguyện trên nền tảng hợp tác xã. Đây là cách để nông dân giảm giá thành sản xuất nhờ lợi thế “mua chung”; tăng khả năng thích ứng với thị trường và năng lực đàm phán nhờ “bán chung”... Hợp tác xã không chỉ đóng vai trò liên kết tiêu thụ nông sản, mà phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng. Đồng thời, tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp để mang lại nguồn thu và nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên và người dân nông thôn. Làm được như vậy, nông dân mới có thể vừa thu được lợi nhuận từ sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng vừa hưởng thêm lợi ích từ giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản”- ông Lê Minh Hoan nói.

Nguồn: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế