Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Hào Tân. Ảnh: MỸ THANH
Nhiều rào cản
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của TP Cần Thơ là châu Á, có kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 50%. Các mặt hàng chủ yếu là gạo (Hong Kong, Malaysia, Philippines, Singapore), thủy sản (Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan) và hàng may mặc (Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong). Tiếp sau đó là thị trường châu Mỹ với 19,64% tổng kim ngạch. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này (Hoa Kỳ, Brazil, Mexico, Canada,...) là thủy sản và hàng may mặc. Đối với thị trường châu Âu, kim ngạch đạt được hơn 46 triệu USD, chiếm khoảng 12,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản sang Anh, Pháp, Nga, Hà Lan, Bỉ,... Thị trường châu Phi chiếm 7,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 2 mặt hàng chủ lực là thủy sản và gạo. Riêng thị trường châu Úc, nông sản chế biến là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất và thị trường này chiếm 2,7% tổng kim ngạch toàn thành phố.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, cho biết: Một số hình thức tiếp cận thị trường, xúc tiến xuất khẩu đã được thành phố áp dụng trong thời gian qua như: cho các DN trưng bày, giới thiệu sản phẩm; các đơn vị xúc tiến thị trường làm cầu nối, trung gian giữa các DN để hỗ trợ về thông tin thị trường; tổ chức các đoàn khảo sát thị trường nước ngoài. Ngoài ra, thành phố cũng thường xuyên giới thiệu hoặc tổ chức (hay phối hợp tổ chức) các hội chợ quốc tế, tạo điều kiện cho các cơ quan, DN của quốc gia đối tác giao lưu, xúc tiến mua bán hàng hóa, dịch vụ; tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng, cách thức tiếp cận các thị trường nước ngoài...
Nhận định chung về năng lực tiếp cận thị trường của các DN xuất khẩu TP Cần Thơ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh xuất hiện nhiều rào cản từ các quốc gia nhập khẩu, xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh khi Việt Nam gia nhập các cộng đồng kinh tế thế giới thì yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh là chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều DN hiện nay chưa chú trọng đến việc cải thiện chất lượng và kiểm soát chi phí để có được giá cả cạnh tranh. Ở một góc độ khác, không ít DN lại thiếu vốn và công nghệ mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; chưa áp dụng hiệu quả các biện pháp nghiên cứu thị trường, chưa thiết lập được các kênh phân phối theo chuỗi cung ứng. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, thông tin: "Một trong những khó khăn hiện hữu khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực là DN thiếu thông tin về FTA và thị trường xuất khẩu. Đơn cử như: quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, mức hưởng lợi từ thuế quan xuất khẩu, giá cả thị trường của sản phẩm tại nước sở tại, chống bán phá giá…".
Thay đổi cách tiếp cận
Từ thực tế nói trên, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, các DN phải tiếp tục nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, không ngừng cải thiện chất lượng và đổi mới sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu,... Đặc biệt là cần lưu ý đến việc quảng bá hình ảnh của sản phẩm xuất khẩu, tham gia hiệu quả trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Về phía thành phố sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin thị trường sát thực, kịp thời và hữu ích trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại giúp DN định hướng sản phẩm và thị trường để tổ chức phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu quảng bá tiềm năng phát triển công nghiệp và thương mại, các sản phẩm và các loại hình dịch vụ có lợi thế cạnh tranh của thành phố với các đoàn khảo sát thị trường trong nước và quốc tế, các DN, các nhà đầu tư làm việc với TP Cần Thơ.
Để sản phẩm của thành phố có thể tiếp cận được thị trường trong thời gian nhanh nhất, với mức giá cạnh tranh, ông Trần Thế Như Hiệp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP Cần Thơ đề xuất xây dựng chuỗi cung ứng xuất khẩu theo hướng gia tăng giá trị. Bởi lợi ích của việc tham gia chuỗi cung ứng không chỉ giúp tăng giá trị của sản phẩm trên toàn chuỗi mà còn có thể khuyến khích các tác nhân trong chuỗi cung ứng hướng tới các mục tiêu sản xuất, xuất khẩu với quy mô lớn. Trong chuỗi cung ứng này, TP Cần Thơ cần đa dạng hóa và tăng giá trị sản phẩm. Đơn cử, để gia tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gạo, thủy sản, nông sản chế biến, thành phố phải thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo chất lượng đồng nhất và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị cho sản phẩm xuất khẩu của thành phố ở thị trường nước ngoài; hỗ trợ xây dựng kho ngoại quan ở thị trường chủ lực giúp DN có thể đóng gói lại sản phẩm với trọng lượng nhỏ hơn đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng tại thị trường nhập khẩu...