TIÊU THỤ LÚA HÀNG HÓA Ở ĐBSCL: GIẢI CỨU LÚA GẠO cần kịch bản mới

Thứ ba, 05 Tháng 3 2019 14:41 (GMT+7)
Mười triệu tấn lúa đang thu hoạch, trên 80% sản lượng là lúa hàng hóa, kho chứa theo lý thuyết là 4 triệu tấn, hàng tồn kho từ niên vụ trước và cách xuất khẩu gạo theo kiểu bán tạp hóa đã “bị bắt bài” là từ để nói về thực trạng lúa gạo cần giải cứu ở ĐBSCL.

Kịch bản cũ -  bối cảnh mới

Trung Quốc từ khi chiếm tỷ lệ 22,4% sản lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam; Indonesia chiếm 17%; Philippines đứng thứ ba chiếm 13,5% đã trở thành điểm tựa dễ tính.

Mua lúa trên kênh Vĩnh Tế, An Giang (ảnh tư liệu). Ảnh: CHÂU LAN

Mua lúa trên kênh Vĩnh Tế, An Giang (ảnh tư liệu). Ảnh: CHÂU LAN

Năm nay, Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam xuống còn 500.000 - 600.000 tấn, thay vì từ 1,5 - 2 triệu tấn/năm như những năm trước và chuyển sang nhập gạo Pakistan, Nhật. Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa, hàng hóa phải bảo đảm các điều kiện về giấy chứng nhận, chất lượng sản phẩm, có vùng trồng và phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, cho biết: Hai tháng đầu năm 2019, tỉnh chỉ xuất khẩu được 6.853 tấn gạo, giảm đến 80,56% về lượng và 72,58% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Kịch bản đang được các tỉnh họp bàn giải cứu lúa gạo vẫn là động viên doanh nghiệp mua vào, ngân hàng nới quota, lẹ lẹ giải ngân. Nhưng sức tồn trữ, sức chịu đựng lãi suất ngân hàng trong thời gian tìm đầu ra vẫn là thách thức khó vượt qua đối với doanh nghiệp.

Philippines và Indonesia là hai bạn hàng truyền thống nội khối Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đang có thay đổi trong chính sách. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Philippines vẫn là người mua đầy tiềm năng khi quốc gia này dự kiến loại bỏ hạn ngạch nhập khẩu và áp dụng thuế quan đối với mặt hàng gạo. Các công ty tư nhân đã nộp đơn xin nhập khẩu ít nhất 1,185 triệu tấn gạo theo chương trình của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA). USDA cũng nâng dự báo tiêu thụ và nhu cầu gạo của Philippines lên 13,65 triệu tấn, có thể 2,3 triệu tấn được nhập khẩu sau khi ngành gạo của quốc gia này được tự do hóa.

Phía Trung Quốc đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật thực hiện kiểm tra lại 20 doanh nghiệp được cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu. Tiền Giang có 2 doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào Trung Quốc là Công ty TNHH Việt Hưng và Công ty Lương thực Tiền Giang. “Năm ngoái, ngay đầu vụ thu hoạch đã có hợp đồng xuất khẩu hơn 1,1 triệu tấn, năm nay chưa ký được”, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), ông Nguyễn Văn Đôn, cho biết thêm: Cuối năm 2017 chuyển sang 2018, doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc 20.000 tấn, nhưng tồn kho của doanh nghiệp chuyển trong năm 2018 sang 2019 khoảng 6.000 tấn. Từ đầu năm đến nay doanh nghiệp đã mua 1.000 tấn và sẽ mua thêm 500 tấn nữa đúng quy định dự trữ lưu thông trong Nghị định 107 (cần 5% lượng gạo trong kho so với kết quả xuất khẩu của 6 tháng trước đó). Ông Đôn luôn nghiêm chỉnh chấp hành quy định, nhưng chưa thấy triển vọng khi chiến lược quốc gia tạm trữ, theo tinh thần chỉ đạo mức tạm trữ hiện thời cũng chỉ khoảng 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa. Thời gian tồn trữ không quá 2 tháng, các bạn hàng tiêu thụ truyền thống đều biết thực trạng này. Họ chỉ cần “trở quẻ” là doanh nghiệp gặp rủi ro.

“Big data” lúa gạo, tại sao không?

Việc ứng dụng hệ thống viễn thám, VinaSAT làm hệ thống truy xuất… tốn khá nhiều tiền, nhưng nếu việc đầu tư tiền của để hình thành Big data lúa gạo, tại sao không?

Thu mua lúa cho nông dân. Ảnh: CHÂU LAN

Thu mua lúa cho nông dân. Ảnh: CHÂU LAN

Tại An Giang, tỉnh có sản lượng lúa đông xuân lớn nhất nhì ĐBSCL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: gần 234.000ha, trong đó có 26.000ha đang thu hoạch. Nông dân trồng 5 giống lúa chủ lực: IR50404, Đài Thơm 8, OM5451, nếp, OM6976.

Đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được 27.496ha lúa vụ đông xuân, đạt 11,76% diện tích xuống giống, ước năng suất bình quân đạt 6,19 tấn/ha; sản lượng 170.000 tấn. Dự kiến, đến hết ngày 1-3, An Giang sẽ thu hoạch lúa vụ đông xuân từ 10.000-14.000ha, sản lượng từ 74.200-104.000 tấn lúa. Thời gian thu hoạch rộ từ ngày 1-3 đến 10-4.

Tại Tiền Giang, vụ lúa đông xuân năm nay, nông dân trồng 64.700ha lúa, đã thu hoạch trên 20.000ha, năng suất bình quân ước đạt 69 tạ/ha. Nông dân bán lúa tươi IR50404 tại ruộng với giá 4.300-4.400 đồng/kg, lúa Đài Thơm, Jasmine từ 4.800-4.900 đồng/kg, lúa OM 5451, OM 4900 có giá từ 4.400- 4.500 đồng/kg… thấp so với cùng kỳ năm trước từ 900-1.450 đồng/kg tùy theo từng loại giống lúa. Một nông dân ở Gò Công cho biết năm ngoái thương lái mua lúa Đài Thơm 7.000-8.000 đồng/kg xuất đi Trung Quốc, năm nay dân liên kết nhau trồng không thấy lái tới mua.

Thách thức kéo dài, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá khi ĐBSCL thu hoạch rộ lúa đông xuân chính vụ, theo nguồn tin Reuters.

Thương lái biết vùng nào trồng giống gì, cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương có thể tổng hợp thông tin, giám sát việc gieo trồng, dịch bệnh, nhịp độ thu hoạch, nhiều cơ quan chức năng biết hoạt động thương lái, các cơ quan khoa học thực hiện các đề án nghiên cứu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị… nhưng những dữ liệu rời rạc, thành những mớ bòng bong.

 “Năm ngoái, chỉ cần xuất 90.000 tấn gạo, giá thị trường thay đổi liền do có đầu ra. Năm nay, mua 200.000 tấn gạo trữ, tức khoảng 400.000 tấn lúa, tình hình chưa chắc thay đổi do nghẽn đầu ra”, một doanh nhân xuất khẩu gạo tại Cần Thơ nói.

Nếu những thông tin này trở thành bức tranh với những mảnh ghép từ các tỉnh, thành trong vùng, được cập nhật, phân tích, đánh giá có tính hệ thống, có phần mềm tương thích, có app chia sẻ thì chắc chắc kịch bản nông nghiệp thông minh sẽ giúp cho việc tổ chức sản xuất, kiểm soát thông tin, đánh giá triển vọng, ứng phó rủi ro hữu hiệu hơn nhiều.

Bền vững từ nội khối AEC

Một nhóm nghiên cứu “Tác động của AEC tới xuất khẩu gạo Việt Nam sang các quốc gia thành viên AEC” cho rằng hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân xây dựng kho, dự trữ, bảo quản đảm bảo chất lượng ổn định là mục tiêu thứ ba trong 4 mắt xích quan trọng từ chọn giống, tổ chức sản xuất, tham gia chính sách tới xúc tiến thương mại khi tham gia thị trường gạo AEC.

Ngược lại, tạm trữ là mục tiêu số 1 trong kịch bản được áp dụng suốt thập niên qua. Quyết định 3242/QĐ-BNN-CB quy hoạch hệ thống dự trữ 4 triệu tấn lúa tại ĐBSCL gồm: Xây dựng mới 2,5 triệu tấn kho, cải tạo nâng cấp 469.000 tấn kho từ năm 2009-2011 tại 52 địa điểm thuộc 13 tỉnh, thành phố. Từ 5 năm trước Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền, Đại học Nông lâm TPHCM, Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Viện Cơ điện nông nghiệp, đã cảnh báo việc làm kho chứa nhưng không theo đuổi mục tiêu đầu tư công nghệ, hiện đại hóa mắt xích chế biến, tồn trữ sẽ khó thay đổi cục diện kinh doanh lúa gạo. Thậm chí nhiều kho lúa thuộc các công ty lương thực thua lỗ nhưng thực trạng nguồn lực 4 triệu tấn kho theo mục tiêu tạm trữ từ đầu thập niên lại chưa được kiểm tra, đáng giá lại cho đúng.

 Theo nhóm nghiên cứu “Tác động của AEC tới xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các quốc gia thành viên AEC”, cho thấy lợi nhuận trên 1 đơn vị gạo tại Việt Nam, nông dân được 52% lợi nhuận trong khi chi phí bỏ ra là 83%, thương lái 18% lợi nhuận trên 17% chi phí, doanh nghiệp xuất khẩu được 30% lợi nhuận trong khi chi phí là 4%. Trong khi các nước nhập khẩu cố gắng vươn lên tự cân đối nguồn lương thực để giảm nhập khẩu thì không ít doanh nghiệp kinh doanh gạo tự mãn với thành công quá sớm nhờ nương tựa chính sách thường, hăng hái đầu tư lớn vào thị trường bất động sản thay vì công nghệ, nghiên cứu thị trường, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị. Tỷ lệ doanh nghiệp kiểu này càng lớn thì ngành hàng bền vững chỉ là ảo tưởng.

CHÂU LAN - (baocantho.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế