VnIndex “hụt hơi” trước ngưỡng 1.000 điểm
Trong phiên giao dịch ngày 5.3, đã có thời điểm chỉ số VnIndex vượt qua ngưỡng 1.000 điểm. Song tâm lý lãi ở nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn đã khiến chỉ số này “hụt hơi”, đảo chiều giảm 1,54 điểm (0,5%) xuống còn 992,45 điểm. Còn HNX-Index giảm 0,28 điểm (0,26%) xuống 108,24 điểm.
Khối ngoại trên TTCK Việt Nam hôm nay mua ròng 7,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 153 tỷ đồng. Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 5,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 93 tỷ đồng.
Trong đó, CCQ ETF nội E1VFVN30 dẫn đầu danh sách cổ phiếu khối ngoại mua ròng trên HOSE với với giá trị mua ròng đạt 46,4 tỷ đồng. HPG và VRE xếp sau với giá trị mua ròng của khối ngoại lần lượt đạt 34,ß4 tỷ đồng và 34,2 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VHM dẫn đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị 39 tỷ đồng. Tiếp đó, VJC và NBB bị bán ròng lần lượt 33 tỷ đồng và 26 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5.3, VnIndex giảm 1,54 điểm (0,5%) xuống còn 992,45 điểm. (Ảnh: TVSI)
Nếu như bộ ba “cổ phiếu họ Vin” là động lực chính, giúp chỉ số VnIndex đạt mức tăng trưởng tốt trong các phiên giao dịch trước, thì tới phiên giao dịch ngày 5.3, “cổ phiếu họ Vin” lại trở thành lực cản khiến VnIndex đảo chiều giảm điểm. Trong đó, VIC giảm 0,09% xuống 117.300 đồng, VHM giảm 2,36% xuống 91.000 đồng và VRE giảm 0,44% xuống 34.200 đồng.
Cổ phiếu nhóm dầu khí và ngân hàng như ACB, TPB, TCB, PVS, PVD… cũng suy yếu, chìm trong sắc đỏ ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 5.3.
Ngoài ra, một số cố phiếu vốn hoá lớn cũng giảm điểm, tác động tiêu cực tới chỉ số VnIndex như MSN giảm 0,11% xuống 89.400 đồng, HPG giảm 0,85% xuống 35.050 đồng, VJC giảm 0,74% xuống 120.000 đồng…
Chỉ có một số ít cổ phiếu giữ được sắc xanh, giúp VnIndex không giảm sâu như VCG, BID, GAS, VCB, CTG. Trong đó, BID tăng 2,98% lên 34.600 đồng, còn VCB, GAS, SAB, CTG tăng dưới 1%.
Ông Nguyễn Đăng Quang xếp thứ ba trên bảng xếp hạng người giàu nhất TTCK Việt Nam với giá trị tài sản đạt 22.827 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)
Chỉ ít ngày tới, Forbes sẽ công bố danh sách tỷ phú USD năm 2019 với những gương mặt mới. Ở Việt Nam, bên cạnh những những tỷ phú USD đã được Forbes công nhận là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, tỷ phú Trần Bá Dương, tỷ phú Trần Đình Long, hai doanh nhân có thể sẽ được đưa vào danh sách tỷ phú USD là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng Techcombank.
Hiện tại, tài sản trên sàn chứng khoán của các tỷ phú USD Việt Nam đều có sự tăng trưởng so với thời điểm đầu năm 2019. Trong đó, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang ở mức 218.973 tỷ đồng, dẫn đầu danh sách những người giàu nhất TTCK Việt Nam.
Xếp thứ hai và thứ ba là ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang với giá trị tài sản chứng khoán lần lượt đạt 23.195 tỷ đồng và 22.827 tỷ đồng.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo xế thứ tư với khối tài sản lên tới 21.466 tỷ đồng. Còn tài sản tỷ phú Trần Đình Long, sau chuỗi hồi phục của cổ phiếu HPG, hiện đạt 18.883 tỷ đồng, xếp vị trí thứ năm.
“Mất” 194 tỷ đồng, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống “gom” 100.000 cổ phiếu Yeah1
Tập đoàn Yeah1 (YEG) mới đây có thông báo cho biết Yeah1 đã nhận được thông tin từ YouTube về việc chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (Content Hosting Agreement - CHSA) sau ngày 31.3.2019 đối với các công ty đầu tư tài chính/công ty con có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Tập đoàn, bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC. Đây đều là những công ty nước ngoài mà Yeah1 của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thâu tóm trong thời gian gần đây.
Theo thông báo, YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Tập đoàn Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn, cụ thể là Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Ban quản lý cấp cao của Tập đoàn Yeah1 đang tích cực làm việc trực tiếp với các quản lý cấp cao của YouTube để hiểu rõ sự việc nêu trên và để đạt được kết quả tích cực về việc tiếp tục các thỏa thuận với YouTube sau ngày 31.3.2019.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1. (Ảnh: Internet)
Sau sự cố YouTube, cổ phiếu YEG lập tức giảm sàn trong sáng 3.3, khiến tài sản chứng khoán của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1, người đang sở hữu 11,3 triệu cổ phiếu YEG “bốc hơi” khoảng 194 tỷ đồng.
Sau phiên giảm sàn ngày 4.3, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 lập tức đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu YEG nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của cổ phiếu YEG vẫn tiếp tục giảm 7% xuống còn 212.000 đồng sau phiên giao dịch ngày 5.3.
Nguyên Phương - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)