Hơn 50% nhà chung cư ở Hà Nội “chây ì” bàn giao phí bảo trì

Thứ sáu, 08 Tháng 3 2019 07:30 (GMT+7)
Tính tới quý 2.2018, trên địa bàn TP Hà Nội đã bàn tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị 492/754 chung cư. Tuy nhiên, số chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% lại chưa được 50% tổng số chung cư đã có ban quản trị (238/492 chung cư).

Sáng nay (7.3), Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo với chủ đề Công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập trong việc quản lý vận hành, sử dụng nhà chung cư. Điển hình là việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, kinh phí quản lý vận hành, tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư, vấn đề về xác định diện tích sở hữu chung – riêng.

hon 50% nha chung cu o ha noi “chay i” ban giao phi bao tri hinh anh 1

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo. 

Một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, một số chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư. 

Theo thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Hà Nội và TP HCM.

Theo báo cáo Sở Xây dựng TP Hà Nội (thời điểm 2.2019), trên địa bàn TP có 745 chung cư thương mại được đưa vào sử dụng. Trong đó, đã tổ chức Hội nhà chung cư để bầu ban quản trị 492/745 chung cư, đã bàn giao hồ sơ 392/492 chung cư; đã bàn giao diện tích sở hữu chung 338/492 chung cư; đã bàn giao kinh phí bảo trì 238/492 chung cư). Có 174 chung cư tái định cư đưa vào sử dụng, trong đó tổ chức Hội nghị nhà chung cư bầu được 82 ban quản trị/174 chung cư; bàn giao kinh phí bảo trì được 49/82 chung cư; bàn giao hồ sơ nhà chung cư được 47/82 chung cư.

Tại TP HCM có 1.367 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. Trong đó có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở mức độ khách nhau. Trong đó có 09 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp. 

Theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng tính đến hết quý 2.2018, thì trên phạm vi cả nước có 108 dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư có liên quan đến các hoạt động quản lý, sử dụng, vận hành, vận hành nhà chung cư, chủ yếu xảy ra tại các dự án trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM. Hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục thống kê về số liệu các dự án tranh chấp khiếu nại ở các địa phương để kịp thời có những chỉ đạo, điều hành xử lý. 

hon 50% nha chung cu o ha noi “chay i” ban giao phi bao tri hinh anh 2

Hơn 50% nhà chung cư ở Hà Nội “chây ì” bàn giao phí bảo trì. 

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Trưởng ban quản trị toà nhà chung cư Phúc Yên 2 (Tân Bình, TP HCM) xác nhận, còn nhiều vấn đề vướng mắc nhưng: chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì của cư dân, yêu cầu thanh toán phí trông xe sử dụng trong 5 năm, chưa bàn giao pháp lý công trình, không bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng…

“Trong khi chung cư đang Phú Yên 2 còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết xong thì chủ đầu tư vẫn được triển khai các dự án mới. Các hạng mục mà chủ đầu tư chưa hoàn thành có thể ảnh hưởng đến độ an toàn chất lượng sống của cư dân”, bà Hằng nói.

Tình trạng tranh chấp căng thẳng cũng diễn ra phổ biến tại nhiều chung cư ở Hà Nội. “Ngày 31.8, ban quản trị nhận đươc bàn giao nhưng bàn giao hồ sơ không rõ ràng, đặc biệt là hồ sơ hệ thống PCCC, thang máy. Chủ đầu tư liệt kê đã chi tiêu 2 tỷ đồng nhưng không có chứng từ. Diện tích tầng hầm, chủ đầu tư giải trình rõ ràng. Sau nhận bàn giao, ban quản trị phải sữa chữa lại phòng cháy chữa cháy”, bà Đặng Kim Ngân, đại diện ban quản trị chung cư Bắc Hà nói. 

Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã 2 lần công bố các chủ đầu tư 'chây ỳ' không chịu trả quỹ bảo trì chung cư cho cư dân, làm cơ sở để trình thành phố phương án cưỡng chế các CĐT thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Luật Nhà ở.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, theo nhiều chuyên gia, cần phải có quy định chặt chẽ việc thu nộp phí bảo trì ngay từ khi người dân mua nhà. Không thể chờ đến khi vào ở, tiền vào tay chủ đầu tư, cư dân mới khiếu nại đòi số tiền này.

Bên cạnh đó, việc Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Công an tiến hành khởi tố các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không bàn giao quỹ bảo trì chung cư là khả thi. Trường hợp chủ đầu tư có mục đích chiếm đoạt quỹ bảo trì nhà chung cư, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư vào mục đích trái với hợp đồng mua, thuê mua nhà đã ký giữa hai bên, trái với các quy định pháp luật, thì hành vi này có thể sẽ bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015./. 

Trần Kháng - (danviet.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế