Cống giữ nước ngọt, ngăn mặn được xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Cảnh báo khô hạn
Những tháng đầu năm 2019, hiện tượng El Nino đang có khuynh hướng quay trở lại theo chu kỳ khiến cho tình hình thời tiết khắc nghiệt hơn, khô hạn, xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện. Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, vào tháng 3-2019, mặn sẽ xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Trong tháng 5, nếu không có mưa, độ mặn trên các cửa sông sẽ vẫn còn cao như tháng 4 và có khả năng kéo dài sang tháng 6. Nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, ĐBSCL không chỉ bị uy hiếp mà còn chịu những tổn thất nặng nề từ hạn mặn.
Tại TP Cần Thơ, ngay thời điểm này, vào những ngày nước kém, mực nước trên sông, rạch xuống thấp làm ảnh hưởng đến tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản của người dân. Ông Nguyễn Văn Bảy, ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết: "Nắng nóng kéo dài, mực nước trên sông rạch ngày càng xuống thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Theo kinh nghiệm của tôi, với tình trạng này, những tháng tới khô hạn có thể xảy ra, sản xuất lúa, rau màu sẽ gặp khó khăn hơn".
Ở huyện Đông Hải, một trong những vùng nuôi tôm sinh thái trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu, người dân địa phương đang lo lắng vì khô hạn, xâm nhập mặn liên tục tăng cao, dẫn đến dịch bệnh phát sinh, lây lan hàng trăm héc-ta đất nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến làm dịch bệnh phát triển. Theo dự báo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đông Hải, thời gian tới, độ mặn tiếp tục tăng cao, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi sẽ diễn biến khó lường.
Theo ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, những tháng đầu mùa khô, huyện đã tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai, thực hiện tốt công tác phòng, tránh khô hạn; điều chỉnh lịch thời vụ, bố trí lại sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất phù hợp với khả năng đảm bảo nguồn nước một cách hợp lý, hiệu quả trên địa bàn.
Tại TP Cần Thơ, công tác thủy lợi mùa khô, thủy lợi nội đồng được ngành nông nghiệp thành phố, các quận, huyện tập trung thực hiện. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Năm 2019, thành phố tập trung phát huy mọi nguồn lực để tăng cường và hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, như: phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phòng chống sạt lở các sông, rạch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Ngành nông nghiệp thành phố sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, điều kiện khí hậu, khí tượng thủy văn… để triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, ứng cứu kịp thời, có phương án đối phó với mọi tình huống bất trắc do khô hạn gây ra; phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, rạch nhằm giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng sản xuất của người dân".
Còn ở Hậu Giang, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn và xâm nhập mặn trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân. Theo đó, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt để đảm bảo đủ nước sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2019. Đặc biệt, khi độ mặn ngoài sông, kênh đạt mức 1,5%o thì địa phương xây dựng các đập thời vụ cải tiến để ngăn tất cả các dòng kênh chảy vào đồng tại các khu vực bị nhiễm mặn…
Cần giải pháp căn cơ
Hiện nay, ở các tỉnh ven biển duyên hải như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau tình trạng xâm nhập mặn vào nội đồng lấn sâu hơn so với năm 2018. Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng nhanh hơn, nước ngọt giảm đi nhiều, đặc biệt ở thượng nguồn Tứ giác Long Xuyên nước ngọt mất đi khá nhanh.
Lý giải thêm cho tình trạng khô hạn ngày càng khốc liệt, PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng, ngoài biến đổi khí hậu còn có yếu tố con người gây ra. Việc chúng ta tập trung sản xuất lúa và các loại hoa màu tiêu hao nhiều nước ngọt khiến cho mực nước bị mất cân bằng. Khi nguồn nước mặt ngày càng khan hiếm thì buộc người dân phải lấy nước ngầm phục vụ sản xuất, khi đó tình trạng lún sụt gia tăng hơn, kéo theo nguồn nước mặn đi sâu vào đất liền. Ngoài ra, năm nay một số đập thủy điện tích nước ở thượng nguồn khiến cho nguồn nước ngọt sẽ về ĐBSCL ít hơn, càng ngày càng khó khăn hơn cho sinh hoạt, sản xuất, nuôi thủy sản của người dân đồng bằng.
TP Cần Thơ cũng đang triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, thành phố hoàn thiện hệ thống thủy lợi tại các vùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh; các quận: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt. Qua đó tập trung xây dựng các hạng mục công trình cần thiết, cấp bách để bảo vệ an toàn 73.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do lũ, tăng cường trữ nước cho mùa khô, phòng chống hạn mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kết hợp phát triển giao thông nông thôn; xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo kiểm soát lũ và vận hành linh hoạt theo từng cấp độ, ổn định sản xuất theo phân vùng quy hoạch thủy lợi... Với quy hoạch này, TP Cần Thơ được chia thành 7 vùng thủy lợi cơ sở: vùng I (vùng Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh); vùng II (vùng Cái Sắn - Thốt Nốt), gồm cả khu vực đô thị; vùng III (vùng Thốt Nốt - Ô Môn); vùng IV (vùng Ô Môn - Xà No); vùng V (vùng Bình Thủy - Ninh Kiều) khu vực đô thị; vùng VI (vùng Nam Cái Răng); vùng VII (khu vực cù lao Tân Lộc và cồn Sơn)... khi hình thành các vùng thủy lợi, TP Cần Thơ sẽ từng bước thích ứng và giảm tác hại do hạn hán, biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai.
PGS-TS Lê Anh Tuấn đưa ra giải pháp là các tỉnh khu vực ĐBSCL nên giảm trồng lúa, vì giảm trồng lúa sẽ hạn chế sử dụng nước ngọt. Lúa sản xuất ít lại nhưng tập trung vào sản xuất lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, để tiết kiệm và giữ nguồn nước ngọt PGS-TS Lê Anh Tuấn cũng khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước càng nhiều càng tốt; những vùng trũng cần tìm mọi cách trữ nước, giữ lại nước. Vụ hè thu 2019 sắp tới, nếu thấy không hiệu quả thì các địa phương trong vùng cần mạnh dạn giảm bớt diện tích sản xuất lúa. Các vùng ven biển, không nên tiếp tục canh tác lúa, nên duy trì và phát triển mạnh mô hình lúa - tôm… |