FLC đồng hành cùng Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2019
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2019 được đánh giá là sự kiện quy mô cấp quốc gia, đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của nhiều khách mời cao cấp tham dự như Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; lãnh đạo một số bộ, ngành; các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; lãnh đạo các tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, khối doanh nghiệp, cùng đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam, sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk hiện nổi tiếng đã có mặt ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng góp lớn vào tổng giá trị xuất khẩu cà phê của cả nước; góp phần quan trọng đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam năm 2018 lên hơn 3,5 tỷ USD.
Chính vì thế, các hoạt động của lễ hội lần này không dừng lại ở công tác truyền thông mà bước lên một tầm mới, mang khát vọng đưa Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”.
Để đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đề nghị Đắk Lắk đẩy mạnh cơ cấu lại ngành cà phê theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đồng thời khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân vào tái canh cà phê, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.
Nền tảng vững chắc để phát triển du lịch
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua, Phó Thủ tướng cũng đã biểu dương thành tựu phát triển kinh tế của Đắk Lắk với 294 dự án đầu tư tính đến năm 2019, đưa tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 8,5% đồng thời chỉ ra điểm hạn chế, đó là GDP của Đắk Lắk bình quân đầu người năm 2018 ở vùng thủ phủ cà phê chỉ đạt hơn 40 triệu đồng, thấp xa so với bình quân 58,5 triệu đồng của cả nước.
Do đó, để thúc đẩy kinh tế Đắk Lắk, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, có những cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù để của Đắk Lắk để phát huy tối đa mọi nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, hỗ trợ của cộng đồng đối tác phát triển.
Với thông điệp “Tiềm năng của tỉnh Đắk Lắk – cơ hội của doanh nghiệp”. Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng cam kết đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông-vận tải và văn hóa-thể thao-du lịch.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Đắk Lắk trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án với tổng vốn hơn 14 nghìn tỷ đồng và trao Bản ghi nhớ đầu tư cho 19 dự án tổng vốn 57 nghìn tỷ đồng.
Đồng hành cùng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2019 với tư cách là nhà tài trợ Bạc, Tập đoàn FLC bày tỏ mong muốn hỗ trợ đất nước phát triển xúc tiến kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp Đắk Lắk nói riêng.
Nguồn lao động dồi dào sức trẻ, kho tàng lịch sử văn hóa đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, hệ thống giao thông khá đồng bộ… là lý do Tập đoàn FLC quyết định lựa chọn Đắk Lắk là điểm đến thứ hai trong các tỉnh Tây Nguyên sau Gia Lai để đầu tư dự án Tổ hợp du lịch sinh thái với tổng vốn dự kiến 10.000 tỷ đồng bao gồm hệ thống sân golf, khu vui chơi giải trí, chuỗi khách sạn, resort tại Ea Nhái, Krong Pak.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2019 diễn ra từ ngày 9/3 – 16/3, bao gồm các hoạt động chính như: Tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam; triển lãm lịch sử Cà phê thế giới tại Bảo tàng Thế giới Cà phê; Hội thi nhà nông đua tài…
Thu Hà - (nguoiduatin.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)