Hàng không đua khuyến mại đường bay ngoại

Thứ sáu, 15 Tháng 3 2019 09:06 (GMT+7)
Các hãng hàng không Việt dồn dập mở đường bay quốc tế và đang tung ra nhiều khuyến mại cho các chặng bay ngoại này, đặc biệt với các chặng bay tới các thị trường nguồn khách du lịch.

Hàng không đua khuyến mại đường bay ngoại - Ảnh 1.

Vietnam Airlines đã thu hút lượng lớn khách tham quan ở Hội chợ Du lịch quốc tế Moscow tại Nga - Ảnh: Đức Anh

Dồn dập khuyến mại

Hãng hàng không Vietjet vừa mở bán vé từ 0 đồng chào đường bay mới đến Tokyo (Nhật Bản) và Busan (Hàn Quốc). 670.000 vé khuyến mại dành cho các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc). Thời gian bay áp dụng từ 14-5-2019 đến 31-12-2019.

Trước đó, hãng hàng không Vietnam Airlines cũng công bố từ ngày 15-3 đến 24-3 sẽ triển khai một trong các chương trình ưu đãi lớn nhất năm "Chào hè 2019" trên hơn 90 đường bay nội địa và quốc tế do hãng khai thác. Hành khách cơ hội mua vé với giá từ 9 USD (tương đương 209.000 đồng) đối với hành trình khứ hồi từ Việt Nam đi quốc tế, áp dụng cho các chuyến bay khởi hành từ ngày 1-4 đến 31-10-2019. Chương trình áp dụng đối với các điểm đến ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Úc, với đội máy bay thân rộng như Boeing 787 và Airbus A350.

Thời gian vừa qua, các hãng hàng không nội địa đẩy mạnh mở đường bay quốc tế, đặc biệt là mở đường bay thẳng tới những điểm đến du lịch nổi tiếng ở Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… với giá khá rẻ. Chỉ với riêng thị trường Nhật Bản, trong vòng 3 tháng (từ 11-2018 đến 1-2019), Vietjet đã mở 3 đường bay thẳng. Tháng 10-2018, Vietnam Arilines cũng mở đường bay thẳng giữa Đà Nẵng - Osaka (Nhật Bản) với tần suất 7 chuyến khứ hồi/tuần, nâng tổng số đường bay đến Nhật của hãng lên con số 11.

Với Hàn Quốc, Vietjet vừa khai trương đường bay Phú Quốc - Seoul cuối tháng 12-2018, đưa số đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc của hãng này lên 8 đường bay. Sắp tới, Vietjet sẽ đưa đường bay TP HCM (Việt Nam) - Tokyo (Narita, Nhật Bản) vào khai thác khứ hồi hàng ngày từ 12-7-2019; đường bay Nha Trang (Việt Nam) - Busan (Hàn Quốc) được khai thác khứ hồi 4 chuyến/ tuần từ 16-7-2019.

Bức tranh hàng không sẽ thay đổi

Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết hiện số lượng các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam rất lớn, một số sân bay đang đối mặt với tình trạng quá tải. Đơn cử, năm 2018, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt trên 38 triệu khách trong khi công suất thiết kế chỉ có 25 triệu khách. Năm 2018, có 58 hãng hàng không bay đến Việt Nam, năm nay dự kiến con số này là trên 60 hãng.

Ông Cường cho biết nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực hiện nay các hãng hàng không chủ yếu khai thác bay đường dài, các chuyến bay nội địa bị cắt gần hết. Gần đây, ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), một phần do cơ sở hạ tầng giao thông phát triển tốt như đường sắt tốc độ cao, cao tốc… đi lại thuận lợi nên số khách bay nội địa quãng ngắn giảm mạnh. Các chặng bay nội địa ngắn đã dần được thay thế bằng vận tải đường bộ, đường sắt, các chuyến bay nội địa được cắt giảm để dành ưu tiên cho các chuyến bay quốc tế, sân bay cũng được điều chỉnh để đón các chuyến bay quốc tế.

Với Việt Nam, các đường bay quốc tế cạnh tranh khốc liệt nhưng doanh thu tốt hơn. Còn bay nội địa bay tuyến ngắn, giá bị khống chế bởi giá trần, được điều chỉnh lần cuối vào năm 2015, là ép giá trần xuống khi giá xăng dầu giảm. Từ đó đến nay, tỉ giá USD tăng, theo đó chi phí tăng, trang thiết bị phụ tùng, giá thuê máy bay, thuê phi công… đều tăng. Vietnam Airline hiện thuê 30% phi công, Vietjet thuê 70%, Jetstar thuê nhiều hơn… song đến nay chưa điều chỉnh giá trần.

"Tôi cho rằng với tình trạng sân bay quá tải mà slot (lượt cất/hạ cánh) tại các sân bay quan trọng không tăng được thì các hãng có thể chuyển hướng tập trung bay một số các tuyến trục, có nhu cầu lớn, hệ số sử dụng ghế cao; hoặc tập trung bay các đường bay du lịch phục vụ cho thời gian cao điểm. Có thể sẽ có sự thay đổi về bức tranh vận tải hàng không thời gian tới. Bay nội địa có thể sẽ không tăng, thậm chí có đường bay bị cắt hoặc giảm tần suất, trong khi các đường bay quốc tế sẽ tăng. Cán bộ Cục Hàng không đang nghiên cứu về xu hướng này"- ông Cường cho biết.

Cụ thể, ông cho rằng trục bay Hà Nội - Đà Nẵng - Sài Gòn - Cam Ranh chắc chắn các hãng sẽ phải giữ, còn từ các điểm này đi các sân bay địa phương sẽ có xu hướng giảm.

Tạo điều kiện tối đa về quyền vận chuyển hàng không

Đề án "Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch" vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 22-1-2019 đặt mục tiêu mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có giữa Việt Nam và các thị trường du lịch trọng điểm trên thế giới gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga, Úc và Ấn Độ. Kết nối hàng không với từng thị trường nguồn khách du lịch quốc tế.

Đến năm 2020, tiếp tục triển khai kế hoạch mở đường bay quốc tế theo Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm.

Đến năm 2025, kết nối các đường bay quốc tế đến tất cả các cảng hàng không quốc tế, các cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế của Việt Nam và các đường bay quốc nội kết nối nội vùng, liên vùng đến các cảng hàng không trong các vùng du lịch nội địa trọng điểm.

Có nhiều chính sách thu hút các hãng hàng không mở đường bay, tăng tần suất bay giữa Việt Nam và các thị trường nguồn khách du lịch: Tạo điều kiện tối đa về quyền vận chuyển hàng không, giờ cất/hạ cánh tối ưu theo đề nghị của hãng hàng không, áp dụng chính sách ưu đãi giá dịch vụ điều hành bay đi/đến và giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các hãng hàng không khai thác đường bay mới trực tiếp giữa các thị trường nguồn khách du lịch và tăng tần suất trên các đường bay quốc tế hiện có đến các cảng hàng không quốc tế và các cảng hàng không được phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế của Việt Nam.

Dương Ngọc - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế