Sau khi chính thức rời Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) vào tháng 11.2018, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) mới đây đã thể hiện động thái mới về công việc của mình tại công ty cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường.
Tuyển nhân viên cho Chánh Nghĩa Quốc Cường
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, Cường Đôla đăng tuyển nhân sự cho Chánh Nghĩa Quốc Cường. Những vị trí đang được Cường Đôla tuyển dụng nhiều vị trí chủ chốt cho doanh nghiệp này bao gồm: Kế toán trưởng, kế toán viên, trưởng phòng nhân sự, trưởng phòng kinh doanh và trưởng phòng pháp chế.
Những vị trí tuyển dụng này phải tốt nghiệp đại học trở lên; Am hiểu kinh doanh BĐS; Có tinh thần cầu tiến và mong muốn phát triển.
Được biết, Chánh Nghĩa Quốc Cường có trụ sở tại Tòa nhà Becamex, 230 Đại lộ Bình Dương, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Chia sẻ trên trang cá nhân Nguyễn Quốc Cường
Theo tìm hiểu, Chánh Nghĩa Quốc Cường là doanh nghiệp mới được thành lập tháng 9.2018, trước khi Cường Đôla từ nhiệm tại Quốc Cường Gia Lai khoảng 2 tháng. Người đại diện pháp luật cho Chánh Nghĩa Quốc Cường do bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Vốn điều lệ ban đầu của Chánh Nghĩa Quốc Cường là 1.169 tỷ đồng.
Lĩnh vực doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; ngoài ra còn có các ngành: xây dựng nhà để ở, xây dựng nhà không để ở và xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác.
Tháng 1.2019, chỉ sau 4 tháng thành lập, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai của bà Loan đã thông báo giảm tỷ lệ vốn góp tại Công ty cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường từ 74,68% xuống còn 30,8%, tương ứng khoảng 360 tỷ đồng. Cũng kể từ đó, Chánh Nghĩa Quốc Cường không còn là công ty con của Quốc Cường Gia Lai.
Động thái rút vốn của Quốc Cường Gia Lai được thực hiện khi hoạt động kinh doanh của công ty này trải qua 1 năm “kinh tế buồn” với hàng loạt những biến động lớn, từ lùm xùm tại dự án Phước Kiển đến việc ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) đột ngột rời "ghế nóng"...
Với trên 12 năm kinh nghiệm tham gia điều hành Quốc Cường Gia Lai và cùng Công ty trải qua không ít sóng gió trên thương trường, có lẽ giai đoạn này là giai đoạn khó khăn nhất của Quốc Cường Gia Lai. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục gồng gánh, Cường đô la đã lựa chọn cho mình một con đường riêng và từ bỏ quyền lực tại Quốc Cường Gia Lai.
Bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai) và Nguyễn Quốc Cường
Trước đó, từ năm 2016, cũng với mong muốn phát triển cho mình một con đường, một sự nghiệp riêng, Quốc Cường đã thành lập công ty riêng Quoc Cuong Land, chuyên về bất động sản. Đồng thời, anh vẫn cáng đáng chức vụ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan.
Tuy nhiên, với động thái mới đây, nhiều khả năng người điều hành Chánh Nghĩa Quốc Cường hiện tại không phải ai khác mà chính là Cường Đôla. Những bước đi này đã có sự tính toán trước khi Cường Đôla rời khỏi Quốc Cường Gia Lai?
Kết quả kinh doanh “bết bát”, lùm xùm dự án Phước Kiểng
Năm 2018 lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp phố núi đạt 99 tỷ đồng, chỉ bằng ¼ năm trước. Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2018, công ty thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ.
Như vậy, với kết quả kinh doanh cả năm 2018 chỉ lãi ròng 99 tỷ đồng, công ty không những chưa hoàn thành kế hoạch đặt ra mà còn có mùa báo cáo tài chính thấp kỷ lục trong vòng 2 năm qua.
Nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai tính đến cuối năm 2018 là 6.893 tỷ đồng. Cuối năm 2018, hàng tồn kho của QCG ghi nhận 7.480 tỷ đồng.
Một góc khu đất Phước Kiển. (Ảnh: Zing)
Trong đó BĐS dở dang lên đến 7.020 tỷ đồng, chủ yếu được tính vào chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng. Giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp đã tăng 554 tỷ đồng so với cuối năm 2017. Khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp trong năm qua là 173 tỷ đồng, trong khi vay dài hạn cao hơn gấp 2,4 lần, lên đến 420 tỷ đồng.
Kinh doanh “bết bát”, năm 2018, hàng loạt các dự án BĐS của Quốc Cường Gia Lai rơi vào vòng xoáy đen đủi như bị cấm chuyển nhượng, cấm xây dựng dự án tại Đà Nẵng sau khi dính những dự án treo 10 năm hay buộc phải trả lại tại TP.HCM.
Đáng chú ý, trong hai khu đất Phước Kiển gây xôn xao dư luận thì có một dự án liên quan đến sai phạm của ông Tất Thành Cang.
Ông Cang đã bị kỷ luật vì có những vi phạm mà theo UB Kiểm tra TƯ kết luận là rất nghiêm trọng như vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; vi phạm các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các DN thuộc Thành ủy…
Ông Tất Thành Cang bị kỷ luật vì có những vi phạm mà theo UB Kiểm tra TƯ kết luận là rất nghiêm trọng
Trong thời gian giữ cương vị thành ủy viên, ủy viên UBND TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cũng liên quan đến những sai phạm về BĐS, ông Tất Thành Cang đã mất chức uỷ viên TƯ, Phó bí thư thường trực Thành uỷ; 2 cựu Phó chủ tịch TP: Nguyễn Thành Tài và Nguyễn Hữu Tín trước đó bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ông Tất Thành Cang bị BCH TƯ kỷ luật cách các chức: uỷ viên TƯ khoá 12, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Gia Linh - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)