Ngoài Mỹ, các thị trường Úc, Chile, New Zealand cũng yêu cầu chiếu xạ trái cây Việt Nam xuất khẩu nhưng cả nước hiện chỉ có một nhà máy làm dịch vụ này. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà máy chiếu xạ lại bị làm khó, chưa thể tham gia thị trường.
Hoan nghênh nhưng hãy… chờ!
Ông Vương Đình Khoát, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát (Công ty Toàn Phát), cho biết đã đầu tư 10 triệu USD để xây dựng nhà máy chiếu xạ quả tươi tại Long An. Nhà máy có quy mô chiếu xạ 10.000 tấn/năm và đã được Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận hành nghề xử lý kiểm dịch thực vật vào tháng 1-2019. "Vướng mắc hiện nay là Công ty CP Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn (Công ty Sơn Sơn - TP HCM) viện cớ kéo dài thời gian, không cho chúng tôi tham gia thị trường để duy trì vị trí độc quyền" - ông Khoát bức xúc.
Năm 2008, Cục BVTV, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) và Công ty Sơn Sơn đã ký "bản kế hoạch hành động chiếu xạ". Cục BVTV cho hay theo nội dung văn bản này và các quy định của Mỹ, Công ty Sơn Sơn là đối tác duy nhất thực hiện chiếu xạ quả tươi xuất khẩu sang Mỹ. DN mới muốn tham gia chương trình phải đáp ứng đầy đủ các quy định của APHIS và chia sẻ nghĩa vụ tài chính với Công ty Sơn Sơn. Theo quy định của Mỹ, các chi phí liên quan đến công tác kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận và kiểm dịch từng lô hàng tại nước xuất khẩu do DN xuất khẩu đảm nhiệm, ngân sách Mỹ không chi. Trước giờ, Công ty Sơn Sơn là đối tác duy nhất thực hiện chiếu xạ nên chịu trách nhiệm tài chính và thu lại từ các DN xuất khẩu trái cây thông qua giá chiếu xạ.
Đưa trái cây vào chiếu xạ tại Nhà máy Sơn Sơn (TP HCM)
Theo biên bản cuộc họp giữa Công ty Toàn Phát và Công ty Sơn Sơn ngày 13-3, đại diện Công ty Sơn Sơn "hoan nghênh" Công ty Toàn Phát tham gia chương trình chiếu xạ, đề nghị DN đăng ký tham gia đàm phán vào tài khóa sau nhưng không nêu rõ thời gian cụ thể. Lý do là "chương trình tài khóa giữa Công ty Sơn Sơn và APHIS đang dang dở, Công ty Toàn Phát đột ngột tham gia sẽ ảnh hưởng đến chương trình hiện tại, chiến lược kinh doanh và những hợp đồng đã ký kết với khách hàng". Ông Khoát cho rằng lý do Công ty Sơn Sơn đưa ra không chính đáng, chỉ là cái cớ để trì hoãn công ty ông tham gia thị trường.
Phải sớm tháo điểm nghẽn
Trước thực trạng xuất khẩu trái cây sang thị trường Mỹ thời gian qua bị nghẽn ở khâu chiếu xạ, ngày 2-4 vừa qua, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đã ký văn bản kiến nghị Cục BVTV "quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Toàn Phát được tham gia cung ứng dịch vụ chiếu xạ nhằm tạo điều kiện cho DN xuất khẩu trái cây có thêm lựa chọn đối tác chiếu xạ". Vinafruit nêu rõ Mỹ là thị trường lớn thứ 2 trong 60 thị trường xuất khẩu trái cây với kim ngạch 123 triệu USD trong năm 2018, nhiều khả năng tăng trưởng trong tương lai gần. Gần đây nhất, Việt Nam đã mở cửa được cho quả xoài tươi sang Mỹ (sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa), sẽ xuất khẩu chính thức lô đầu tiên trong tháng 4 này. Năm 2018, tổng sản lượng trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ phải qua chiếu xạ đạt gần 7.500 tấn các loại, tăng 75 lần so với năm 2008. Hai bên đang tiếp tục đàm phán để Mỹ mở cửa thêm cho quả bưởi.
Hiện Công ty Toàn Phát đã có văn bản gửi Cục BVTV đề xuất phương án nộp tiền vào tài khoản riêng để Cục BVTV chi trả các chi phí liên quan đến quá trình mời chuyên gia APHIS thực hiện các bước phê chuẩn nhà máy tham gia chương trình chiếu xạ. Công ty Toàn Phát cam kết bảo đảm tài chính, cùng Công ty Sơn Sơn đàm phán chia sẻ tài chính vận hành chương trình chiếu xạ. Ông Khoát mong Cục BVTV sớm gửi hồ sơ cho APHIS để thực hiện các thủ tục nhằm có thể chính thức hoạt động trước tháng 9-2019.
Vụ việc vẫn đang chờ lãnh đạo Cục BVTV ra quyết định cuối cùng. Phóng viên đã nhiều lần liên lạc lãnh đạo Công ty Sơn Sơn để trao đổi thêm thông tin nhưng không nhận được phản hồi.
Độc quyền nên giá cao, chờ lâu
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tại Việt Nam chỉ duy nhất Công ty Sơn Sơn thực hiện chiếu xạ. Sự độc quyền khiến giá chiếu xạ trái cây Việt Nam cao hơn Thái Lan, DN phải "xếp hàng" chờ chiếu xạ khiến chất lượng trái cây xuất khẩu bị ảnh hưởng. "Nhiều năm qua, Vinafruit đã kiến nghị Chính phủ kêu gọi đầu tư thêm nhà máy chiếu xạ và hỗ trợ DN tham gia lĩnh vực này để khai thông điểm nghẽn xuất khẩu" - ông Nguyên nói thêm.