Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành văn bản về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công nhằm triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ.
Theo đó, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần áp dụng biện pháp đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công, nghiên cứu giải pháp về mô hình kết nối phù hợp với cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan nhằm đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thanh toán điện tử các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí... Cần tiết giảm đầu mối kết nối, bảo đảm cung ứng dịch vụ cho khách hàng là tổ chức, cá nhân mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng khác nhau.
Thanh toán các dịch vụ công qua POS được khuyến khích. Ảnh: Linh Anh
Các ngân hàng, tổ chức trung gian cung ứng dịch vụ thanh toán cần phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng chính sách ưu đãi, biện pháp khuyến khích hợp lý như miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, hoàn tiền, quay số, tích điểm thưởng… nhằm tạo thói quen đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử để trả tiền dịch vụ công.
Trong trường hợp có phát sinh sai sót hoặc tra soát, khiếu nại khi chủ thẻ thanh toán qua kênh điện tử, các ngân hàng phải kiểm tra, xác định nguyên nhân và phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan để phản hồi, giải thích rõ lý do cho khách hàng biết.
Trước đó, tại Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến 2021, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP chỉ đạo 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiện điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, hoàn thành trước tháng 12-2019.
Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố, đến cuối năm 2018 cả nước có 4,2 triệu ví điện tử các loại đã liên kết với tài khoản ngân hàng. Tính đến quý III-2018, cả nước có 18.170 máy ATM, 294.500 máy POS, số lượng thẻ ngân hàng các loại hơn 101 triệu thẻ. Cả nước có trên 43 triệu người có tài khoản ngân hàng, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên.
Đến nay, đã có 76 ngân hàng cung ứng dịch vụ Internet Banking, 44 ngân hàng có dịch vụ thanh toán qua di động và 24 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử).