Chiến lược dài hơi cho ngành lúa gạo - Bài 1: Mua tạm trữ lúa gạo, ai thực lợi?

Thứ hai, 08 Tháng 4 2019 13:37 (GMT+7)
Trước tình trạng giá lúa Đông Xuân, vụ chính của vùng ĐBSCL, liên tục giảm sau Tết, Chính phủ, bộ ngành và các địa phương đã nhanh chóng tìm các giải pháp nhằm giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân. Tuy nhiên vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao để ngành lúa gạo phát triển bền vững, người nông dân trực tiếp làm ra sản phẩm được hưởng lợi.

Chiến lược dài hơi cho ngành lúa gạo - Bài 1: Mua tạm trữ lúa gạo, ai thực lợi?

Cánh đồng mùa gặt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bình ổn lúa gạo: Đạo lý và pháp lý

Cùng với xăng dầu và điện, lúa gạo là mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá. Nhưng trong khi giá điện, xăng dầu được Nhà nước quản lý giá niêm yết chặt chẽ, định giá theo chu kỳ, đảm bảo lợi ích của bên cung ứng và tiêu dùng, thì cơ chế bình ổn giá lúa gạo chưa được vận hành thông suốt, cùng với những yếu kém trong việc kết nối cung – cầu của ngành hàng lúa gạo, nên nông dân thường rơi vào tình trạng cần “giải cứu”. 

Trong khi xăng dầu, điện chủ yếu do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nắm giữ, quyết định nguồn cung, thì lúa gạo hiện do mấy triệu nông dân trồng lúa nhỏ lẻ thiếu tiềm lực kinh tế nắm nguồn cung. Cả nước có đến 12,8 triệu nông hộ đang canh tác trên 78 triệu mảnh ruộng manh mún. Những người trồng lúa chẳng những không nắm giữ độc quyền về lượng cung, quyết định giá bán lúa hàng hóa do mình làm ra mà còn chịu sự tác động dưới thế yếu do gánh nặng đầu vào, bị động đầu ra. 

Sản xuất lúa của nông dân phụ thuộc điều kiện tự nhiên, tập trung ở vùng ĐBSCL, hạ tầng giao thông, thương mại còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp lương thực tổ chức mạng lưới mua lúa trực tiếp chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% qua trung gian. Vào thời điểm lúa thu hoạch rộ, nông dân cần bán lúa đồng loạt, thường xảy ra tình trạng rớt giá, khó tiêu thụ, người trồng lúa mất thu nhập, nên rất cần sự can thiệp chính sách để bình ổn giá. 

Cơ sở pháp lý để thực hiện chính sách này là Luật Giá. Bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý. Cụ thể, Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định, khi giá lúa, gạo hàng hóa giảm quá thấp bất hợp lý, thì các bộ, ngành chức năng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cụ thể để điều tiết thị trường, góp phần hạn chế thiệt hại cho người trồng lúa. 

Chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, ngân hàng, địa phương, doanh nghiệp tập trung mua lúa bước đầu đã tác động tích cực đẩy giá lúa nhích lên mấy ngày qua. Song, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, các biện pháp này là biện pháp thị trường bình thường, chứ không phải phi thị trường. Nhà nước không can thiệp vào thị trường để bảo đảm hoạt động thị trường bình thường, theo quy luật giá trị. 

Điều đó không có nghĩa là cần phải quay lại cách làm như trước đây, sử dụng hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng ngân sách/năm cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp mua lúa tạm trữ. Việc trông chờ vào chính sách tạm trữ ngắn hạn bộc lộ nhiều yếu kém, không giúp ích được nhiều cho nông dân. Thực tế cho thấy, trong những năm giá lúa gạo ở mức cao nhất, nông dân vẫn hưởng thực lợi ít nhất vì qua nhiều khâu trung gian và độ trễ của chính sách. Mặt khác, do vùng ĐBSCL có các tiểu vùng sinh thái khác nhau mà rõ nhất là các tỉnh thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp và một phần Kiên Giang là những tỉnh trọng điểm lúa thường thu hoạch sớm hơn phần hạ nguồn, nên khi triển khai thu mua trạm trữ, phần lớn nông dân không được hưởng lợi chính sách, lợi ích thường rơi vào doanh nghiệp thu mua và tác nhân trung gian.    

“Hệ điều hành” lúa gạo và vận hành cơ chế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao các bộ, ngành, địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả Đề án tái cơ cấu lúa gạo. Con đường phát triển của lúa gạo là phải nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Kết nối cung - cầu lúa gạo là bài toán kinh tế hơn là các hoạt động chỉ đạo hành chính hay chỉ đạo sản xuất mang tính chủ quan của nhà quản lý. 

Gạo Việt đã xuất khẩu tới khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm gần 80% gạo xuất khẩu, giá xuất tăng hơn và những khởi sắc của thị trường gạo nội địa trong nửa đầu năm qua là những tín hiệu đáng mừng. Cây lúa và người trồng lúa đang và cần được tiếp sức trong cuộc chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh doanh nông nghiệp” bằng các bài toán kinh tế. Sự tiếp cận đa ngành, với định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, gắn với chuỗi giá trị và thương hiệu lúa gạo, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển ngành hàng lúa gạo.

Nhưng gạo không chỉ để ăn, để xuất khẩu, mà còn là nền tảng để phát triển các ngành công nghiệp mới sau gạo có giá trị gia tăng cao như thực phẩm tiêu dùng (dầu ăn, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng...), vật liệu (đánh bóng kim loại), sơn (nano chống cháy), ngành dược, mỹ phẩm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Đã đến lúc ngành lúa gạo cần vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống để bước sang kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu, nên rất cần “hệ điều hành mới” và cơ chế vận hành hiệu quả.    

Chính sách bình ổn giá lúa gạo khó thực thi nếu thiếu cơ chế vận hành thông suốt. Theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp thực hiện cân đối nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước, công bố vào quý IV hàng năm. Bộ Tài chính công bố giá lúa định hướng ngay từ đầu vụ để làm cơ sở áp dụng các biện pháp bình ổn giá lúa, gạo hàng hóa trên thị trường. UBND cấp tỉnh công bố giá thành sản xuất lúa bình quân dự tính trong toàn tỉnh, thành phố ngay từ đầu vụ đối với từng vụ sản xuất trong năm, nhưng cơ chế vận hành đó chưa được thực thi thông suốt. Trong khi nó chính là cơ sở quan trọng để người trồng lúa tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, chọn lựa các phân khúc lúa gạo nội địa hay xuất khẩu, đặc biệt là dấu hiệu để nhận biết tình trạng “giá lúa giảm quá thấp bất hợp lý” để thực hiện chính sách bình ổn. Ngoài ra, quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó cũng cần được kiểm tra, giám sát thường xuyên để để bảo thực thi nghiêm túc.

Việc tổ chức mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn lúa và 200.000 tấn gạo, mua 100.000 tấn gạo tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành. Các tổng công ty lương thực phải mua dự trữ 5% sản lượng theo quy định, thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu cho Philippines 200.000 tấn gạo và các doanh nghiệp Trung Quốc đã xác định mua 100.000 tấn gạo rất cần “bàn tay hữu hình” của Nhà nước, nhưng phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, không được vô hiệu hóa “bàn tay vô hình” với sự vận hành của các quy luật cung – cầu, quy luật giá trị. 

Đánh giá hiệu quả của chính sách tạm trữ vừa qua gắn với yêu cầu bình ổn giá lúa gạo, đáp ứng mục tiêu đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa, trả lời câu hỏi “ai thực lợi” là điều cần làm trong việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng phát triển bền vững...   

TS Trần Hữu Hiệp - (daidoanket.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế