Tác động khó lường...
Điển hình như Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ, có diện tích khoảng 500.000ha, chiếm khoảng 20% diện tích vùng ĐBSCL. Đây là khu vực sản xuất nông nghiệp quan trọng với thế mạnh là lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái. Đồng thời, Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên giáp biên giới Campuchia, có lợi thế về nguồn nước cho sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của BĐKH tiểu vùng phải đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo sinh kế cho người dân. Đặc biệt, những năm gần đây, do ảnh hưởng của BĐKH, khiến các địa phương trong Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên đối mặt với khô hạn, lũ cao thấp bất thường… Năm 2016 tiểu vùng đối mặt với thực trạng khô hạn, xâm nhập mặn, mưa trái mùa; năm 2018 nước lũ đổ về kết hợp triều cường dẫn đến ngập lụt, gây mất cân đối lịch thời vụ, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh kế của người dân tiểu vùng; năm 2019 dự báo mùa mưa đến trễ và kết thúc sớm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân cả vùng ĐBSCL…
Các công trình, cống ngăn mặn được đầu tư xây dựng ở ĐBSCL nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô hạn. Ảnh: HÀ VĂN
Theo nhận định của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, các hiểm họa chính của BĐKH Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, gồm: triều cường, sạt lở đất, nắng nóng, bão, lốc xoáy kéo theo những hiểm họa khác như: xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Đặc biệt, lượng mưa qua quan trắc và mô phỏng cho thấy sự bất thường ngày càng nhiều, như lượng mưa đầu mùa giảm, các trận mưa lớn cuối mùa lại gia tăng. Lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ngày càng ít, trong khi nước mặn từ biển xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền, tạo nên những khó khăn mới cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh kế của cư dân. Việc thâm canh lúa, phù sa vào bên trong đồng ruộng hạn chế khiến gia tăng chi phí canh tác, giảm lợi nhuận trong sản xuất; hệ thống đê bao khép kín ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của vùng ĐBSCL, gây ảnh hưởng đến thời gian hấp thu và trữ lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên vào mùa lũ....
Tiến sĩ Bùi Tân Yên, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), nhận định: “Điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất và cơ sở hạ tầng của các địa phương trong khu vực ĐBSCL, Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên còn khác nhau; đồng thời chưa sử dụng tối ưu kiến thức thực tế của cán bộ địa phương và thiếu sự phối hợp liên tỉnh, thành trong ứng phó, xây dựng kế hoạch thích ứng BĐKH dài hạn. Do vậy, việc xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai và biện pháp thích ứng bằng kiến thức bản địa là rất cần thiết. Bản đồ nguy cơ thiên tai và các biện pháp ứng phó cho các tỉnh, thành giúp xác định các vùng nguy cơ do BĐKH và biện pháp thích ứng sát với thực tế. Các địa phương có thể chủ động phân tích và xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hạ tầng của mình trong công tác ứng phó...”.
Xây dựng vùng ứng phó
Thời gian qua, Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ, IRRI, Chương trình BĐKH - Nông nghiệp và an ninh lương thực (CCAFS) khu vực Đông Nam Á đã xây dựng các kịch bản rủi ro về lũ lụt, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ảnh hưởng đến sản xuất lúa; xây dựng bản đồ nguy cơ thiên tai và các biện pháp ứng phó cho các tỉnh, thành ĐBSCL; đồng thời dự báo tình hình khí tượng thủy văn ảnh hưởng đến sản xuất lúa tại các địa phương dưới tác động của BĐKH. Trên cơ sở đó, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ trên 6 tiểu vùng sản xuất ở ĐBSCL, như: Vùng Tứ giác Long Xuyên (xâm nhập mặn, lũ, nhiệt độ tăng); Vùng Đồng Tháp Mười (nhiệt độ tăng, lũ lụt, sạt lở); Vùng phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu - có TP Cần Thơ (khô hạn cục bộ, mưa lớn, triều cường); Vùng Tây sông Hậu (khô hạn cục bộ, nắng nóng, mưa lớn bất thường); Vùng ven biển (xâm nhập mặn, khô hạn) và Vùng Bán đảo Cà Mau (khô hạn, mưa lớn bất thường, bão ven biển). Qua đó xây dựng bản đồ sử dụng đất lúa, bố trí lịch thời vụ xuống giống các vụ sản xuất; đồng thời đề xuất cơ cấu lúa thích ứng BĐKH của các tỉnh, thành ở các năm trung bình và các năm cực đoan…
Vừa qua, tại Hội thảo tham vấn xây dựng Dự án “Chuyển đổi ĐBSCL” vận động nguồn vốn từ Quỹ Khí hậu Xanh, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết: Quỹ Khí hậu xanh của Liên Hiệp Quốc dự kiến tài trợ không hoàn lại khoảng 40 triệu USD cho Việt Nam để thực hiện xây dựng Dự án “Chuyển đổi ĐBSCL” (thuộc Chương trình tổng thể vùng Đồng bằng sông Mekong cho Việt Nam và Campuchia). Mục tiêu của dự án là nhân rộng chuyển đổi sinh kế của nông hộ nhỏ sang những mô hình chống chịu khí hậu và tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất dựa vào lũ lụt. Tại Việt Nam, dự án tập trung vào các tỉnh thượng nguồn ĐBSCL, ở các tỉnh thuộc vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên.
Dự án trên gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1 hỗ trợ thực hiện các chính sách liên quan đến tính chống chịu khí hậu cho đồng bằng; hợp phần 2 nhân rộng tính chống chịu với BĐKH cho các dự án liên tỉnh và hợp phần 3 quản lý và giám sát dự án. Qua đó giúp các địa phương phục hồi chức năng hệ sinh thái vùng lũ, hấp thụ nước cũng như giảm quá trình xâm nhập mặn từ hạ nguồn; xây dựng hạ tầng quy mô nhỏ để tăng cường chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp dựa vào mùa lũ. Các giải pháp dựa vào tự nhiên sống chung với lũ tại vùng thượng nguồn… Với các giải pháp này thì sản xuất, sinh kế của người dân ĐBSCL có khả năng thích nghi và phát triển trong thời kỳ BĐKH.