Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thả cá về tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên trên sông, rạch.
Việc làm thiết thực
Việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thiết thực, góp phần bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, cải thiện môi trường, hệ sinh thái, tạo sự phong phú của các quần thể, đa dạng sinh học với nhiều giống loài quý hiếm, có giá trị kinh tế. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thời gian qua, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các quận, huyện tập trung thực hiện thả cá ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Lượng cá thả ra tự nhiên hằng năm từ 8 đến 10 tấn. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các thủy vực trên địa bàn TP Cần Thơ có ý nghĩa thực tiễn về phát triền nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và giáo dục sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên. Năm nay, TP Cần Thơ tiếp tục thả cá về môi trường với mong muốn mỗi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm bảo vệ các loài thủy sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái xung quanh chúng tôi để cuộc sống thêm trong lành, an toàn, sạch đẹp...”.
Mới đây, tại sông Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cùng hàng trăm cán bộ, đoàn viên thanh niên thuộc các sở, ngành chức năng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Cần Thơ, Thành đoàn Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ cùng tham gia thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái do Sở NN&PTNT tổ chức. Tại buổi thả cá, ông Nguyễn Thanh Dũng nhấn mạnh: “Để đảm bảo và tạo điều kiện phù hợp cho các đối tượng thủy sản phát triển sinh sản và duy trì nòi giống, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của động vật thủy sinh. Cụ thể, các cấp chính quyền cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến từng hộ dân các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, như: Luật Thủy sản, các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản… Các hoạt động bảo vệ đa dạng các loài thủy sản, hệ sinh thái tự nhiên là góp phần bảo vệ môi trường sống của con người”.
Có hàng trăm ngàn con cá giống (cá bố, mẹ), cá con các loại được thả, như: cá hô, cá rô đồng, cá chép, rô phi, cá trê… Đây là năm thứ 7 liên tiếp TP Cần Thơ tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản và chào mừng kỷ niệm Ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1-4-1959). Hoạt động này nhằm mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng thủy sinh vật, đặc biệt là các loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao; đồng thời góp phần giáo dục, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, tự nhiên trong dòng sông…
Phát huy hiệu quả
Hằng năm, trên địa bàn 9 quận, huyện thuộc TP Cần Thơ đều tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, với lượng cá giống được thả về sông, rạch từ 8 tấn đến 10 tấn. Năm 2019, TP Cần Thơ có kế hoạch thả khoảng 200.000 con giống thủy sản các loại về tự nhiên, trong đó ưu tiên thả các loại thủy sản bản địa, loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng nhằm tái tạo, phục hồi lại môi trường, hệ sinh thái đã bị thất thoát…
Lực lượng học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh tham gia thả cá về tự nhiên.
Tại phường Bình Thủy, UBND quận Bình Thủy tổ chức lễ phát động thả cá tái tạo nguồn thủy sản, bảo vệ môi trường. Với hơn 450kg cá giống các loại được thả xuống sông Bình Thủy, như: cá lóc, cá rô, cá trê, cá hường, cá thát lát cườm, cá chép, cá sặc rằn... Bên cạnh đó, quận cũng tiến hành treo băng rôn, tờ rơi tuyên truyền, cổ vũ nhân dân cùng thả cá góp phần bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trên sông, rạch… Ở huyện Phong Điền, nhiều năm qua, công tác tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương cũng được thực hiện thường xuyên. Năm 2019, các loại cá, như: mè vinh, cá kết, cá leo, rô đồng… được thả về môi trường tự nhiên. Với những nỗ lực này, nguồn thủy sản địa phương đã phát triển đa dạng về thành phần, nhiều giống loài được tái tạo, phát triển tốt. Ông Nguyễn Văn Thái, ở thị trấn Phong Điền, cho biết: “Qua những buổi lễ phát động thả cá về môi trường tự nhiên, tôi thấy đây là việc làm thiết thực, tạo được ý thức cho mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường sinh thái. Gia đình tôi cùng bà con trong xóm, ấp đều ý thức bảo vệ môi trường sinh thái trên các dòng sông…”.
Trong những năm qua với sự ủng hộ nhiệt tình của các đơn vị, tổ chức và nhân dân trên địa bàn thành phố, công tác bảo vệ và phát triền nguồn lợi thủy sản góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng được xã hội hóa, phát triển lớn mạnh và sâu rộng trong nhân dân. Khởi đầu, năm 2013 chỉ có tổ chức thả cá tại 2 điểm với số lượng khoảng 500kg cá giống. Hiện nay, trên tất cả địa bàn của 9 quận, huyện đều thả cá với lượng cá giống được thả về sông, rạch từ 8 tấn đến 10 tấn. Trong năm 2019, TP Cần Thơ có kế họach thả khoảng 200.000 con giống thủy sản các loại về tự nhiên, trong đó ưu tiên thả các loại thủy sản bản địa, loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Công an TP Cần Thơ hỗ trợ chuyên môn, ổn định an ninh trật tự để người dân thả cá về tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái…
Ông Nguyễn Thanh Dũng nhấn mạnh: “Tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái là việc làm thường xuyên và lâu dài nhằm duy trì tính đa dạng sinh học và giữ gìn nguồn tài nguyên vô giá này không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho cả thế hệ con cháu mai sau. Để giống loài thủy sản các đợt thả phát triển tốt, đề nghị Chi cục Thủy sản thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, sử dụng ngư cụ cấm trong khai thác nguồn lợi thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, môi trường sinh thái tại các dòng
sông, rạch…”.