Tiếp tục chống đô-la hóa

Thứ hai, 15 Tháng 4 2019 07:56 (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục lộ trình thu hẹp tín dụng ngoại tệ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang vay vốn bằng VNĐ

Từ đầu tháng 4-2019, các doanh nghiệp (DN) không được vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước.

Chuyển sang vay vốn bằng VNĐ

Các đối tượng DN này phải chuyển từ vay sang mua ngoại tệ trên thị trường hoặc vay vốn bằng VNĐ. Riêng các DN vay ngoại tệ trung dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi có đủ nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng chỉ thực hiện đến hết ngày 30-9-2019.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đang được tiếp tục thực hiện trong năm nay nhằm chuyển dần quan hệ huy động vốn và cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Cụ thể, giảm dần tỉ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng dư nợ tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế. Quan điểm của NHNN là khuyến khích nắm giữ VNĐ, thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo chủ trương của Chính phủ.

Tiếp tục chống đô-la hóa - Ảnh 1.

Doanh nghiệp chuyển sang vay vốn VNĐ với lãi suất được dự báo tiếp tục ổn định. Ảnh: TẤN THẠNH

Từ đầu tháng 4-2019 đến nay, các NH thương mại đã ngừng cho DN vay ngoại tệ ngắn hạn để nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu về phục vụ nhu cầu trong nước. Trước đó, những tháng đầu năm, tín dụng ngoại tệ có xu hướng tăng mạnh hơn khi DN tập trung vay trước thời điểm quy định mới có hiệu lực.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết không nhiều DN bị ảnh hưởng bởi chính sách ngừng cho vay ngoại tệ ngắn hạn bởi chính sách này đã được NHNN công bố lộ trình từ nhiều năm qua, DN đã có sự chuẩn bị. Bản thân NH thương mại cũng định hướng, thông báo cho khách hàng biết.

Một số DN nhập khẩu cho biết đã chuyển sang vay VNĐ vì lãi suất cho vay tiền đồng tương đối ổn định trong khoảng 2 năm nay; trong khi thủ tục, điều kiện vay USD ngày càng khó.

Nhiều yếu tố thuận lợi

Việc các DN vay tiền đồng rồi mua USD trên thị trường hoặc mua lại của NH thương mại để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu có thể tạo áp lực lên cầu ngoại tệ và tỉ giá. Mặc dù vậy, phó tổng giám đốc một NH cổ phần có thế mạnh về ngoại tệ cho rằng thu hẹp tín dụng ngoại tệ đến thời điểm này đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã mua thêm khoảng 6,2 tỉ USD dự trữ ngoại hối cho thấy nguồn cung ngoại tệ trên thị trường khá dồi dào. Nếu năm nay cả nước tiếp tục xuất siêu, dòng ngoại tệ từ kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài... sẽ giúp tăng thêm nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Quan trọng hơn, giá USD ổn định giúp DN và thị trường không còn găm giữ, đầu cơ ngoại tệ từ đó giảm rủi ro liên quan đến tỉ giá.

Ở góc độ khác, nhu cầu vay vốn bằng VNĐ trên thị trường sẽ tăng, liệu có thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh? Năm nay, NHNN xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14%. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, khẳng định không thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng trong quý I/2019 khoảng 2,28% so với cuối năm ngoái. Chỉ riêng tại TP, hiện dư nợ tín dụng khoảng 2,1 triệu tỉ đồng. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% và vòng quay vốn khoảng 1,5-1,6 lần như mọi năm, tổng lượng vốn tín dụng cung ứng ra thị trường trong năm nay khoảng 500.000 tỉ đồng sẽ không thiếu vốn cho bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào.

Hiện thanh khoản của các NH thương mại khá dồi dào, vốn tín dụng phân bổ theo tỉ lệ 75% vốn vẫn dành cho sản xuất kinh doanh, 11% dành cho lĩnh vực bất động sản và 14% dành cho lĩnh vực tiêu dùng. "Các DN không lo thiếu vốn và lãi suất cho vay vẫn ổn định. Hệ thống NH luôn tạo mọi điều kiện mở rộng cửa đối với DN, kể cả DN nhỏ và vừa có thể thế chấp bằng dòng tiền bán hàng, nguồn thu" - ông Nguyễn Hoàng Minh nói. 

Hỗ trợ lãi suất cho DN chuyển từ vay USD sang VNĐ

Việc siết cho vay ngoại tệ phần nào ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của DN bởi lãi suất vay USD khoảng 4%-4,5%/năm, giờ chuyển sang vay tiền đồng lãi suất 8%-10%/năm. Tuy nhiên, theo các NH, những đối tượng được vay ngoại tệ thường là DN xuất nhập khẩu lớn, có uy tín nên NH sẽ có chính sách hỗ trợ lãi suất vay hợp lý, khoảng 6%-7%/năm, để giảm bớt áp lực chi phí tài chính. "NH có chính sách hỗ trợ đối tượng khách hàng DN đang vay USD chuyển sang vay VNĐ bởi thực tế, vay ngoại tệ thường là những DN làm ăn đàng hoàng, có tài chính tốt" - ông Phan Đình Tuệ nói.

Linh Anh - (nld.com.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế