Ngày 16-4, tại Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn Củng cố và Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở ĐBSCL. Tham dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo bộ, ngành và các tỉnh ĐBSCL.
Yếu kém nhiều mặt
Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho thấy tính đến cuối năm 2018, tỉnh có 166 HTX nông nghiệp. Nhìn chung, các HTX đã từng bước tổ chức hoạt động theo Luật HTX 2012; nhiều HTX yếu kém cũng được quan tâm củng cố, sáp nhập; công tác bồi dưỡng tập huấn kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ hợp tác được chú trọng thực hiện. Một số HTX tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước để đầu tư thêm máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, mở rộng các ngành nghề mới; xây dựng mô hình mới và tăng cường liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp để bao tiêu nông sản cho thành viên. Từ đó, giúp người dân yên tâm sản xuất và tin tưởng góp vốn để trở thành thành viên HTX.
Hợp tác xã có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu nông sản Ảnh: NGỌC TRINH
Theo Bộ NN-PTNT, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song hoạt động của mô hình HTX nông nghiệp ở ĐBSCL thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Các mô hình HTX thích ứng với BĐKH đã dần hình thành nhưng còn tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có cơ sở về khoa học kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng...
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá số HTX ở ĐBSCL làm ăn hiệu quả chưa cao. Chính sách hỗ trợ HTX vẫn còn hạn chế, như chính sách hỗ trợ hạ tầng đã ban hành nhưng đa số HTX vẫn chưa được thụ hưởng. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đầy đủ tới sự phát triển của các HTX nông nghiệp… Bên cạnh nguyên nhân khách quan, yếu kém còn do chính các HTX, như năng lực hạn chế, thiếu máy móc, thiết bị và hạ tầng phục vụ sản xuất. Nhiều HTX vẫn còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Phát triển 15.000 HTX hoạt động hiệu quả
Tại diễn đàn, đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT đưa ra giải pháp nhằm phát triển HTX thích ứng với cơ chế thị trường, ứng phó BĐKH. Trong đó, tập trung vào đề án phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020. Theo đó, tập trung tổ chức, lập kế hoạch tập thể, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp nhận sáng kiến của người dân về ứng phó BĐKH; bố trí lại mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Hỗ trợ thành viên tham gia chuỗi giá trị nông sản, trong đó HTX là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nhằm tổ chức nông dân thống nhất quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, thu hoạch, sơ chế sản phẩm...
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Rạch Lọp (tỉnh Trà Vinh), đề nghị để hoạt động của HTX phát triển chiều sâu, Bộ NN-PTNT cần kêu gọi các nhà máy phân bón hỗ trợ giá cho HTX thông qua đại lý. Ngoài ra, cần có quy định về việc bao tiêu nông sản theo hướng bền vững, cam kết giá không thấp hơn thị trường tại địa phương; có chính sách bao tiêu sản phẩm sản xuất theo quy trình hữu cơ, vi sinh với giá hợp lý.
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, cho rằng để thích ứng với BĐKH, không chỉ giải pháp công trình (như đê, kè, đập...) mà còn cần đến giải pháp phi công trình do chính cộng đồng dân cư tổ chức và thực hiện, với sự điều chỉnh của quy hoạch chung. Thích ứng BĐKH cần hướng tới đa dạng hóa phát triển nông nghiệp, thay đổi lịch thời vụ; xây dựng các chương trình, kế hoạch thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các ngành, các cấp. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng bền vững tài nguyên nước thích ứng với BĐKH. Như vậy, HTX hoạt động dựa trên triết lý lợi thế về quy mô, hợp tác nhiều thành viên sẽ trở thành sức mạnh cộng đồng thích ứng với BĐKH. Không có HTX đủ mạnh, hoạt động hiệu quả sẽ không thể thay đổi cấu trúc các ngành hàng nông sản cũng như lịch thời vụ phù hợp với BĐKH, thời tiết cực đoan, suy giảm tài nguyên nước như trong thời gian qua.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận để ĐBSCL phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH phải tổ chức lại không gian sản xuất, quy mô sản xuất, quy hoạch lại ngành hàng phù hợp với mỗi vùng sinh thái đặc trưng, hình thành các chuỗi ngành hàng nông sản. HTX phải trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ vốn đang manh mún, nhỏ lẻ; giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp. HTX có vai trò quan trọng trong xây dựng thương hiệu nông sản, phải mang lại nguồn thu cho HTX vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên, giảm được chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng nông sản. "Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành trung ương, Liên minh HTX Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án phát triển 15.000 HTX, liên HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Tập trung thực hiện có hiệu quả đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới giai đoạn 2016-2020, gắn với việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, cách làm sáng tạo; phổ biến, triển khai nhân rộng mô hình HTX kiểu mới có hiệu quả và sức lan tỏa cao...." - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.
Đa dạng hóa mô hình sản xuất
TS Đoàn Mạnh Tường, Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng các tỉnh, thành ĐBSCL cần đa dạng hóa mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả thích ứng với BĐKH. Xây dựng các cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung. Những mô hình này sẽ giúp nông dân sản xuất bền vững, ổn định thu nhập, ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả. Những điều này cùng hướng đến mục tiêu chung là tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn phục vụ tốt nhu cầu xuất khẩu...