Phiên giao dịch ngày 17-4, EIB giảm 300 đồng/cổ phiếu, xuống còn 17.100 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh chỉ vài chục ngàn cổ phiếu và không có cổ phiếu nào giao dịch thỏa thuận.
Tuy nhiên, trong 11 phiên giao dịch dịch trước, cổ phiếu EIB có khối lượng giao dịch thỏa thuận rất lớn nhưng hoàn toàn không có cổ đông hay nhà đầu tư lớn nào báo cáo với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM. Điển hình như phiên ngày 3-4 có hơn 59,67 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá hơn 1.071 tỉ đồng; ngày 5-4 có hơn 47,39 triệu cổ phiếu EIB được sang tay, trị giá 870,87 tỉ đồng; ngày 2-4 có trên 40,6 triệu cổ phiếu EIB giao dịch thỏa thuận tương ứng 739 tỉ đồng... Những phiên khác ở nửa đầu tháng tư đều có từ vài chục tỉ đến vài trăm tỉ đồng cổ phiếu EIB được sang tay bằng phương thức thỏa thuận.
Còn nếu tính từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường ghi nhận có đến hơn 340 triệu cổ phiếu EIB được sang tay, chiếm khoảng 28% số lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng này. Tổng giá trị giao dịch lên tới trên 5.400 tỉ đồng.
Giao dịch bất thường của cổ phiếu EIB thời gian qua. Nguồn: Cafef.vn (Ảnh chụp màn hình).
Đến thời điểm này vẫn chưa có nguồn tin chính thức nào cho biết các giao dịch thỏa thuận trên do ai mua, ai bán. Song với những diễn biến vừa qua, rõ ràng cơ cấu cổ đông của Eximbank đang có sự dịch chuyển. Hiện cổ đông lớn nhất của Eximbank được công bố chính thức là SBMC của Nhật nắm 15% vốn, VOF Investment Limited nắm 4,97%, còn Vietcombank giữ 4,82%.
Gần đây, Eximbank được giới đầu tư quan tâm xoay quanh việc thay đổi chủ tịch HĐQT. Theo thông báo của Eximbank, ngày 22-3, bà Lương Thị Cẩm Tú bất ngờ được đa số các thành viên HĐQT bầu làm chủ tịch HĐQT thay cho ông Lê Minh Quốc. Sau đó, ông Lê Minh Quốc cho rằng việc bãi nhiệm ông là không hợp pháp và ông đã khởi kiện HĐQT Eximbank. Sau khi thụ lý đơn của ông Quốc, Tòa án nhân dân TP HCM đã thông báo áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện Nghị quyết của HĐQT Eximbank về việc thay đổi chủ tịch.
Trong khi đó, Eximbank khẳng định việc bầu chọn thay đổi chủ tịch HĐQT là đúng quy định pháp luật, đồng thời ngân hàng này đã có đơn khiếu nại, gửi các cơ quan chức năng về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án nhân dân TP HCM.
Một diễn biến khác, Eximbank vừa công bố tình hình hoạt động của năm 2018. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.731 tỉ đồng, huy động vốn đạt 118.694 tỉ đồng, dư nợ cho vay đạt 104.118 tỉ đồng và tổng tài sản 152.652 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 827 tỉ đồng.
Theo Eximbank, do lợi nhuận trước thuế của năm 2018 không bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tiền gửi, đồng thời khi lập kế hoạch ngân hàng chưa có cơ sở pháp lý (phán quyết của Tòa án về vụ mất tiền của bà Chu Thị Bình), để đưa vào kế hoạch chi phí của năm và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC. Vì vậy, Eximbank đã trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC và rủi ro tài chính 904 tỉ đồng, điều chỉnh lợi nhuận trước thuế từ 1.731 tỉ đồng xuống còn 827 tỉ đồng.
Thy Thơ - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)