Nhiều ngân hàng lãi hơn 1.000 – 5.900 tỉ đồng trong quý I/2019

Thứ tư, 24 Tháng 4 2019 15:27 (GMT+7)
Một số ngân hàng thương mại công bố lợi nhuận của quý I/2019 lên tới hàng ngàn tỉ đồng, trong đó có ngân hàng lãi gần 5.900 tỉ đồng.

Nhiều ngân hàng lãi hơn 1.000 – 5.900 tỉ đồng trong quý I/2019 - Ảnh 1.

Trong 3 tháng đầu năm 2019, Vietcombank đạt lợi nhuận gần 5.900 tỉ đồng

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra hôm 23-4, ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho biết 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ cho vay giảm nhưng lợi nhuận của VietinBank đạt khoảng 3.100 tỉ đồng, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo ông Bình, lợi nhuận tăng là nhờ VietinBank cơ cấu lại thị trường cho vay, tập trung vào phân khúc có mức sinh lời cao, đồng thời nguồn thu các hoạt động phi tín dụng cũng tăng rất mạnh. 

Tại đại hội, các cổ đông Vietinbank cũng thông qua phương án phân phối lợi nhuận hơn 5.100 tỉ đồng của năm 2018. Theo đó, sau khi trích lập các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, phúc lợi, lợi nhuận còn lại của Vietinbank là gần 2.997 tỉ đồng . Với số tiền này, các cổ đông Vietinbank đồng ý chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 8,03% hoặc không chia, tức là Vietinbank dành toàn bộ lợi nhuận còn lại để tăng thêm vốn điều lệ. Tuy nhiên, đề quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chia cổ tức, Vietinbank phải chờ phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền .

Hiện tại, cổ đông nhà nước đang nắm giữ 64% vốn điều lệ của Vietinbank và đại diện của số vốn này là Ngân hàng Nhà nước.

Trên thực tế, mong muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc để lại lợi nhuận để tăng vốn của VietinBank đã có từ nhiều năm qua. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, vốn điều lệ của VietinBank đã đứng yên ớ mức 37.234 tỉ đồng. Năm 2018, do phương án tăng vốn điều lệ chưa được thông qua nên ngân hàng này phải hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh làm cho lợi nhuận sụt giảm 25% so với năm 2017. Mặt khác, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước áp dụng Thông tư 41 quy định về tỉ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu là 8%, trong khi đó hệ số an toàn vốn của Vietinbank hiện dưới 8%. Vì thế, nhu cầu tăng vốn của VietinBank hết sức cấp bách.

Còn tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB cho biết ngân hàng đã xử lý hết nợ bán cho VAMC; các khoản nợ từ nhóm 2 – nhóm 5 đã được trích lập dự phòng 100%. Theo đó, năm 2019, ACB dự kiến có khoảng 600 tỉ đồng thu nhập từ việc xử lý nợ xấu để bổ sung vào chỉ tiêu lợi nhuận cả năm là 7.279 tỉ đồng. "Riêng quý I/2019, ACB đã đạt lợi nhuận 1.670 tỉ đồng; đồng thời hôm 22-4, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho ACB áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trở thành ngân hàng thứ 5 tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn này "- ông Trần Hùng Huy thông tin thêm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng công bố lợi nhuận cả 3 tháng đầu năm 2019 đạt 1.061 tỉ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động dịch vụ lãi 642 tỉ đồng, tăng 18%; kinh doanh ngoại hối lãi 113 tỉ đồng, tăng 109%.

Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận năm 2019 đạt khoảng 2.650 tỉ đồng thì chỉ trong quý 1, Sacombank đã hoàn thành được 40% lợi nhuận của cả năm.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) công bố lợi nhuận của quý I/2019 đạt gần 5.900 tỉ đồng, trong đó lãi từ kinh doanh ngoại hối 928 tỉ đồng, hoạt động dịch vụ đạt 1.069 tỉ đồng.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ngân hàng đã công bố trước cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2019 là 20.500 tỉ đồng, tăng 12% so với năm trước. Tuy nhiên, để giảm thêm lãi suất cho một số đối tượng doanh nghiệp, tại đại hội cổ đông tới đây (ngày 26-4) Vietcombank có thể điều giảm chỉ tiêu lợi nhuận để cổ đông thông qua.

Thy Thơ - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

 

Bài viết mới nhất của Kinh tế