GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 2.590 USD

Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 21:28 (GMT+7)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết năm 2018, GDP bình quân đầu người tăng lên 2.590 USD/người, tăng thêm khoảng 201,6 USD/người so với năm 2017 và gấp 1,23 lần so với năm 2015.

Ngày 25-4, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 9 do ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, chủ trì.

Tại phiên họp, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  cho biết kinh tế xã hội năm 2018 được đánh giá là đạt kết quả toàn diện, hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong đó, chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội là chi tiêu GDP.

GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 2.590 USD - Ảnh 1.

GDP Việt Nam đang tăng đạt mức 2.590 USD (ảnh minh họa)

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt cao, trên 480 tỉ USD, tăng hơn 52 tỉ USD (12,2%) so với năm 2017, vượt mục tiêu đề ra. Cán cân thương mại thặng dư khoảng 6,8 tỉ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, chiếm gần 2,8% kim ngạch xuất khẩu.

"Quy mô GDP tăng thêm gần 536.400 tỉ đồng so với năm 2017 và gấp 1,32 lần so với năm 2015, tốc độ tăng đạt 7,08%, vượt số đã báo cáo là 6,7% và mục tiêu Quốc hội giao là 6,5-6,7%. GDP bình quân đầu người tăng lên 2.590 USD/người, tăng thêm khoảng 201,6 USD/người so với năm 2017 và gấp 1,23 lần so với năm 2015" - ông Mạnh cho biết.

GDP bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 2.590 USD - Ảnh 2.

Các đại biểu thảo luận tại buổi làm việc

Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018, tuy nhiên đang có dấu hiệu chậm lại, cả 3 khu vực kinh tế đều phát triển theo hướng chậm hơn cùng kỳ năm 2018" - Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhận định.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng bên cạnh những thành tựu, hiện nay, kinh tế - xã hội nổi lên nhiều vấn đề. Đó là giá cả các hàng hóa tăng sau khi tăng giá điện, giá xăng. Nền kinh tế đang tiềm ẩn nguy cơ bong bóng bất động sản. Nền kinh tế có những yếu kém nội tại chưa được giải quyết dứt điểm, tình hình kinh tế quốc tế tiếp tục có những tác động bất lợi, nguy cơ rủi ro với kinh tế trong nước như: cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung; Brexit; chủ nghĩa bảo hộ...

"Sức ép của lạm phát, mặc dù các chuyên gia kinh tế nói rằng năm nay chúng ta kiểm soát dưới 4%. Nhưng bây giờ những dấu hiệu của diễn biến thị trường trong nước, diễn biến thị trường thế giới, giá điện, giá xăng. Sắp tới, đến giáo dục, y tế, các mặt hàng thiết yếu nhà nước quản lý, có diễn biến phức tạp như thế. Các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chúng ta phải điều hành như thế nào để linh hoạt, để kiềm chế vấn đề này? Như thế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tiếp theo của năm 2019" - ông Vũ Hồng Thanh chia sẻ.

K.Nam - (nld.com.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế