Sáng 26-4, cùng với nhiều ngân hàng thương mại khác, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã tổ chức đại hội cổ đông năm 2019.
Tại đại hội, một số cổ đông lớn tuổi gay gắt chất vấn HĐQT Sacombank vì đã 4 năm ngân hàng không chia cổ tức, dù lợi nhuận tăng trưởng khả quan.
Một nữ cổ đông lớn tuổi tỏ ra bức xúc rằng bà nắm 1 triệu cổ phiếu STB của Sacombank từ nhiều năm qua nhưng không có một đồng cổ tức nào. Đến với đại hội lần này, bà chỉ muốn biết năm nay, Sacombank có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông không?
"Tôi là cổ đông lớn nhất của Sacombank nên cũng rất muốn chia cổ tức nhưng do đang là ngân hàng tái cơ cấu nên không được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước" - ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, giải thích.
Cổ đông Sacombank tiếp tục không được chia cổ tức trong năm 2018 vì ngân hàng đang tái cơ cấu. Ảnh: Linh Anh
Ông Minh cũng cho biết rất nhiều lần xin ý kiến cơ quan quản lý chia cổ tức cho cổ đông, dù ít cũng được nhưng chưa được cho phép. Trong khi đó, Sacombank hiện là ngân hàng duy nhất thuộc diện tái cơ cấu có lợi nhuận và giá cổ phiếu của ngân hàng cũng duy trì ở mức trung bình trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngày 26-4, cổ phiếu STB được giao dịch ở mức giá 11.950 đồng/cổ phiếu.
Theo lãnh đạo Sacombank, hiện lợi nhuận để lại trong 2 năm qua của ngân hàng còn khoảng 2.700 tỉ đồng nhưng chia cổ tức hay không phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước. Sacombank đã báo cáo, xin chỉnh sửa đề án tái cơ cấu và xin chia cổ tức cho cổ đông.
"Hiện HĐQT và Ban điều hành đang cố gắng thúc đẩy hoạt động ngân hàng tốt hơn nữa, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, khi đó, quyền chia cổ tức thuộc về ngân hàng" - ông Minh nói.
Liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu, Chủ tịch Sacombank cho biết trong quý I/2019 đã xử lý được khoảng 5.000 tỉ đồng nợ xấu. Dự kiến trong năm nay sẽ xử lý được từ 10.000 - 15.000 tỉ đồng, khi đó lãi dự thu sẽ lớn hơn.
"Một số ý kiến cho rằng tôi là dân bất động sản, vào Sacombank để mua bất động sản nhưng tôi khẳng định từ ngày vào chưa mua tài sản bán nợ nào của ngân hàng. Và tôi cũng hứa không mua bất cứ tài sản phát mại để xử lý nợ xấu nào của ngân hàng. Tất cả tài sản bán đấu giá để thu hồi nợ xấu đều được công khai trên thị trường" - Chủ tịch Sacombank khẳng định.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Võ Văn Thuần, Phó cục trưởng Cục thanh tra giám sát ngân hàng (Cục II), cho biết sau khi Ngân hàng Phương Nam sáp nhập vào Sacombank, ngân hàng vẫn đang tiếp tục tái cơ cấu. Dù năm 2017, Sacombank đạt lợi nhuận sau thuế 1.484 tỉ đồng, năm 2018 đạt 2.067 tỉ đồng nhưng ngân hàng vẫn còn khoảng 40.000 tỉ đồng nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và phải trích lập dự phòng mỗi năm.
Hiện Sacombank vẫn phải tiếp tục quá trình xử lý nợ xấu, bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Theo ông Võ Văn Thuần, dù không được chia cổ tức, ngân hàng tái cơ cấu nhưng cổ phiếu của Sacombank vẫn ở mức khá cao, có giá trị. Nên việc không chia cổ tức nhằm phù hợp quá trình tái cơ cấu của ngân hàng, Sacombank tập trung xử lý nợ xấu, thu hồi nợ tồn đọng...