Hôm nay (2-5), Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương đồng chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam 2019. Trước đó, với Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", khu vực tư nhân được khơi thông nguồn lực để tăng tốc phát triển.
Sức vươn kỳ diệu
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đang vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt, nhất là khu vực sản xuất, góp phần vào tăng trưởng thực chất và bền vững của nền kinh tế.
Hơn 16 năm trước, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát) Trần Tuấn Dương trong chuyến đi Nhật Bản đã không giấu nổi cảm giác choáng ngợp khi nhìn thấy nhà máy thép nổi tiếng Kobe Steel. Với tổng công suất 6 triệu tấn/năm, Kobe Steel có cảng biển lớn, cho phép tàu trọng tải 100.000 tấn cập bến. "Thật sự kỳ vĩ! Chúng tôi cảm thấy nhỏ bé và thèm khát sau này Việt Nam có thể làm một nhà máy ngang tầm như vậy" - ông Dương kể lại.
Giấc mơ sau gần 20 năm đã trở thành sự thật khi Khu Liên hợp Sản xuất gang thép Hòa Phát tại Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư năm 2017 với tổng vốn 52.000 tỉ đồng, công suất 4-5 triệu tấn/năm và hệ thống cảng biển nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn cập bến. Trước đó, Hòa Phát "lột xác" từ công ty buôn bán máy xây dựng để dấn thân làm thép ở Hải Dương với 5 nhà máy, 3 lò cao cùng tâm niệm "công nghiệp nặng là nền tảng của kinh tế và thép là bánh mì của công nghiệp". "Không có nhiều tiền, chúng tôi làm nhà máy nhỏ, có lãi thì mở nhà máy lớn. Tôi không nghĩ bỗng dưng sau một đêm có thể trở thành DN lớn, kể cả đổ bao nhiêu tiền vào. Như một cơ thể sống, DN muốn lớn lên phải trải qua nhiều giai đoạn: trưởng thành, tăng tốc và phát triển rực rỡ" - ông Dương chiêm nghiệm.
Một DN khác cũng thành công từ sản xuất là Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO). Không phải ai cũng biết tiền thân của tập đoàn ôtô hàng đầu Việt Nam là một xưởng sửa chữa ôtô, sau đó tiến tới nhập khẩu xe đã qua sử dụng về tân trang để bán lại. Ngày ông chủ THACO "đặt cược" vào mảnh đất cát trắng Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), nhiều người không thể ngờ THACO có thể đạt được khát vọng khẳng định vị thế cho nền công nghiệp ôtô Việt. Chưa dừng lại, THACO mới đây có cú chuyển mình bất ngờ sang nông nghiệp công nghệ cao và mục tiêu sắp tới là các dự án phức hợp, bao gồm trung tâm thương mại kết hợp showroom ôtô, khách sạn, căn hộ cao cấp…
Cuối năm 2018, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được khánh thành đã đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên DNTN bước chân vào lĩnh vực vốn do nhà nước đảm nhiệm. Cùng năm 2018, sự ra đời của tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast và Nhà máy Sản xuất điện thoại Vsmart của Vingroup... cũng cho thấy bước chuyển mình bất ngờ của DNTN. Khu vực động lực này còn ghi dấu ấn bởi nhiều tên tuổi như Tập đoàn TH, T&T...
Theo Ban Kinh tế trung ương, KTTN là khu vực chính tạo ra việc làm mới cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước bằng gần 50% tổng mức đóng góp của các khu vực DN. Giới chuyên gia đánh giá Nghị quyết số 10-NQ/TW đã chứng tỏ hiệu quả trong việc mở lối cho KTTN phát triển, vừa huy động được sức dân, tiết kiệm nguồn lực nhà nước vừa triển khai được nhiều công trình chất lượng tốt.
Doanh nghiệp tư nhân đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của nền kinh tế. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Xóa bỏ bất bình đẳng
Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy hiện có hơn 700.000 DNTN và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. Quý I/2019, có hơn 28.400 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 375.500 tỉ đồng, tăng 6,2% về số lượng và 34,8% về vốn so với cùng kỳ 2018, là mức tăng cao nhất so với 5 năm gần đây. Tuy vậy, cộng đồng DN vẫn kỳ vọng nhiều hơn nữa từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là cải cách về thể chế, để KTTN phát triển tương xứng với tiềm năng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc Vietjet, trong một hội thảo mới đây cho biết Chính phủ thời gian qua đã hỗ trợ rất tốt về mặt thể chế cho KTTN phát triển. Song, để thực sự trở thành quốc gia kiến tạo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy KTTN, cần Chính phủ nhìn nhận công bằng, tạo điều kiện và niềm tin nhiều hơn cho DN. "Thủ tướng khẳng định những gì tư nhân có thể làm tốt thì tạo điều kiện cho tư nhân làm. Cần có cơ chế tạo điều kiện cho tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng. Chúng tôi vận hành hơn 80 máy bay, vận chuyển khoảng 1/2 lượng khách hàng không nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ cung ứng như mặt đất, kỹ thuật, nhà ga, sân bay, suất ăn… hoàn toàn phụ thuộc hệ thống độc quyền tự nhiên. Chúng tôi nói vui rằng mình không có "một tấc đất cắm dùi" dù đủ năng lực đầu tư. Chúng tôi mong được tạo điều kiện hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia, như các thương hiệu Samsung, Toyota... của nước bạn" - bà Thảo bày tỏ.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn PAN - cũng cho rằng để kinh tế nói chung và KTTN nói riêng phát triển, nhà nước cần tạo môi trường bình đẳng từ tiếp cận nguồn vốn, tài nguyên đến cơ chế hoạt động và thị trường. "Nếu như có sự ưu ái với DN nhà nước thì không công bằng với DNTN, không có sự phấn đấu của các DN nhà nước. Trong khi đó, sự phấn đấu của tất cả các thành phần mới làm cho nền kinh tế phát triển lành mạnh" - ông Hưng nêu quan điểm.
Theo TS Huỳnh Thế Du, ĐH Fulbright, không thể phủ nhận kinh tế thị trường mà nòng cốt là KTTN là con đường đem lại thịnh vượng cho các quốc gia. Tuy nhiên, cần lưu ý biện pháp cần thiết để hạn chế khuyết tật của thị trường. "Nhà nước nên tập trung ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng, xác định rạch ròi khu vực nhà nước cần nắm vai trò, tránh việc làm thay thị trường" - ông Du góp ý.
Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, lưu ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, phức tạp, chồng chéo, hay thay đổi, vẫn còn tình trạng giấy phép con... là rào cản lớn cần gỡ bỏ. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; hưởng ưu đãi khi tham gia lĩnh vực sản xuất - kinh doanh mới, nhất là lĩnh vực dựa vào công nghệ; hỗ trợ vốn và phân bổ nguồn lực công bằng; xây dựng lộ trình để DNTN phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán quốc tế…
. Ông TRẦN TUẤN DƯƠNG, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát:
Thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp
Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đây là nhân tố chính giúp cho Hòa Phát cũng như cộng đồng DN trải qua một năm tương đối thành công. Một yếu tố thuận lợi khác cho tăng trưởng của DN là gần đây, Đảng, nhà nước đã xác định KTTN là động lực quan trọng đối với nền kinh tế, đồng thời đưa ra nhiều chính sách tạo điều kiện cho khu vực này phát triển mạnh hơn. Động thái này sẽ tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng DN, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề tái cơ cấu tăng trưởng.
Năm 2019 và nhiều năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Đây sẽ là cơ hội cho DN có tiềm lực, quản trị tốt và biết đón nhận thời cơ, đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị. Vấn đề là DN phải nâng cao năng lực quản trị, đầu tư phát triển thêm để đón nhận cơ hội này.
. Ông NGUYỄN QUỐC KỲ, Tổng Giám đốc Vietravel:
Cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp
Là lĩnh vực thu hút tư nhân mạnh mẽ nhưng Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm, chương trình du lịch để kích cầu chi tiêu của khách. Do vậy, dù có chính sách miễn visa, khách cũng sẽ không ở lại lâu và chi xài nhiều. Chính phủ cần đánh giá kỹ và xem xét nguyên nhân chính dẫn đến việc khách đến Việt Nam chi tiêu thấp hơn so với quốc gia khác để có giải pháp triệt để. Cần thu hút có chọn lọc các phân đoạn thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày tại Việt Nam.
Về quảng bá, xúc tiến du lịch ở tầm quốc gia, tiền có vai trò quan trọng nhưng cách làm mới quyết định thành công. Phải tiếp xúc trực tiếp với du khách thông qua DN lữ hành tại các quốc gia và phải thực hiện thường xuyên, dài lâu, vì DN mới hiểu hết nhu cầu của khách. Khi thực hiện chiến dịch quảng bá, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan quản lý và DN để cùng thực hiện chính sách ưu đãi cho du khách.
P.Nhung - T.Phương ghi