Đủ trò mạo danh bán thực phẩm chức năng

Thứ hai, 06 Tháng 5 2019 10:29 (GMT+7)
Nhiều nhân viên tư vấn không có chuyên môn về y dược, thậm chí có nơi tư vấn viên bán sản phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ là học sinh, sinh viên

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế vừa phát đi cảnh báo về tình trạng một số trang mạng và một số trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện trực tiếp đến khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán thực phẩm chức năng (TPCN).

Cảnh báo này được phát đi sau khi Viện Dinh dưỡng quốc gia phát hiện một số trang web sử dụng logo của viện và hình ảnh bác sĩ của viện để tư vấn và bán TPCN. Bác sĩ Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia, khẳng định những trang web với hình ảnh và quảng cáo sản phẩm TPCN đều không phải của trung tâm. Hơn nữa trung tâm cũng không có chủ trương quảng cáo bán hàng bằng nhắn tin hay điện thoại để lôi kéo, mời chào bệnh nhân.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng qua điện thoại, chat… ngày càng phổ biến và phức tạp. "Tôi từng đích thân gọi tới một số điện thoại trên mạng để tư vấn căn bệnh liên quan đến cột sống và được tư vấn viên khẳng định dùng TPCN là khỏi bệnh" - ông Phong nói.

Đủ trò mạo danh bán thực phẩm chức năng - Ảnh 1.

Một trong những trang web bị Cục An toàn thực phẩm công bố vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng. (Ảnh chụp màn hình)

Nguy hiểm hơn, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng TPCN đang khá phổ biến. Một số trung tâm tư vấn thường quảng cáo hoặc gọi điện trực tiếp đến khách hàng mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền để tư vấn bán TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Các quảng cáo hay tư vấn này đều giới thiệu là thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định, nhất là các sản phẩm: xương khớp, sinh lý nam, tiểu đường, kích thích mọc tóc, trị mất ngủ... "Nhân viên tư vấn thường nói với giọng mang tính hù dọa, do nắm bắt được tâm lý người bệnh thường hay lo lắng. Trong khi bản thân họ không có kiến thức về y tế, thậm chí còn dọa dẫm về tình trạng bệnh tật, nói quá lên về mức độ nguy hiểm để gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm" - ông Phong nêu thực tế.

Theo ông Phong, thời gian qua cục đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ việc nhân viên tư vấn bán TPCN nhưng không có chuyên môn về y dược, thậm chí có những trung tâm tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên. Nhiều công ty kinh doanh TPCN luôn muốn "nổ" về công dụng để thu hút người mua. Thậm chí không ít cơ sở đã thuê những nhân vật có ảnh hưởng lớn tới công chúng đứng ra quảng cáo sản phẩm.

"Trong lúc cơ quan chức năng đang thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm, tôi kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm TPCN có quảng cáo dưới các hình thức như: thư cảm ơn của bệnh nhân; dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo sản phẩm; sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo... Chưa cần kiểm tra đã thấy quảng cáo không đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý, người tiêu dùng không mua sản phẩm quảng cáo như vậy" - ông Phong nhấn mạnh.

Hàng loạt trang web vi phạm

Cục ATTP vừa công bố hàng loạt thông tin vi phạm trên nhiều trang web bán TPCN, thực phẩm bảo vệ có dấu hiệu lừa dối người dùng trên các website: vienquany.com, duocphamhocvienquany.com, hvquany.com. Các trang web này có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Stronghair sai quy định của pháp luật.

Cục ATTP cũng cảnh báo người tiêu dùng về trang web fucomin.com có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nano Fucomin vi phạm quy định. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm Nano Fucomin nói món hàng đang quảng cáo trên website fucomin.com không phải do công ty thực hiện và không chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm trên website này.

Ngọc Dung - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Kinh tế