Tạo quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước là nhu cầu bức thiết của TP Cần Thơ hiện nay. Ảnh: MỸ THANH
Năm 2017, TP Cần Thơ đã đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu Đề tài "Giải pháp hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn TP Cần Thơ". Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Trung Hiền, Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, Chủ nhiệm Đề tài, cho biết: Mục tiêu Đề tài hướng đến việc xác định những thuận lợi và khó khăn trong cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện cơ chế tạo quỹ đất sạch với hiệu quả tối ưu.
Ban Chủ nhiệm Đề tài đã tiến hành khảo sát khoảng 900 nhân khẩu với 150 căn nhà bị ảnh hưởng bởi 2 Dự án là Khu đô thị mới Võ Văn Kiệt (phường Long Hòa và Long Tuyền, quận Bình Thủy) và Khu tái định cư Nhà nước quản lý tiếp giáp đường Trần Hoàng Na nối dài (thuộc địa bàn phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều). Đối tượng khảo sát được chia làm 3 nhóm: người sử dụng đất nông nghiệp đơn thuần, người sử dụng đất đơn thuần và người sử dụng đất ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Qua đó, có 73,5% người dân biết việc Nhà nước thu hồi đất tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; 25,6% trả lời không biết quy định về việc Nhà nước thực hiện thu hồi đất tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Ngoài ra, có 16,5% người dân mong muốn chỉ được bồi thường bằng đất; 56,2% có nguyện vọng bồi thường kết hợp cả 2 phương thức: tiền bồi thường và đất khi Nhà nước thu hồi đất; 25,6% muốn chỉ bồi thường bằng tiền…
Sau 18 tháng thực hiện, Đề tài đã hoàn thiện Báo cáo tổng hợp về rà soát, hệ thống hóa các chủ trương, chính sách liên quan đến cơ chế tạo quỹ đất sạch hiện hành; Phân tích tính hợp lý và chưa hợp lý của các quy định, chính sách hiện hành liên quan đến cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư tại TP Cần Thơ… Tính mới của Đề tài được thể hiện trong phân tích, đánh giá quy định hiện hành để có những giải pháp hoàn thiện và kiến nghị Luật hóa các giải pháp trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai. Đồng thời, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của các địa phương và quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến quá trình thực hiện dự án để hoàn thiện quy trình tạo quỹ đất sạch trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Đề tài cũng xác định những vướng mắc, bất cập trong cơ chế tạo quỹ đất sạch của cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Cụ thể là cơ chế vận hành trong quá trình tạo quỹ đất sạch hiện chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan hữu quan. Nguồn tài chính thực hiện Dự án còn hạn chế; chưa gắn kết được các nhà đầu tư trong cơ chế tạo quỹ đất sạch nên hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Mặt khác, hiện nay TP Cần Thơ vẫn chưa có kế hoạch đồng bộ, có hệ thống về khai thác quỹ đất sạch trên địa bàn thành phố…
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Trung Hiền, Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ, Chủ nhiệm Đề tài, nhấn mạnh: "Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng: "Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được xét duyệt". Nội dung này đã được cụ thể hóa trong Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, cơ chế thu hồi đất này thời gian qua chưa được các địa phương áp dụng rộng rãi. Đó là một trong những nguyên nhân làm cho việc tiếp cận về đất đai gặp khó khăn, việc thu hút đầu tư chưa được như mong muốn".
Từ thực tế này, Ban Chủ nhiệm Đề tài đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất sạch nhằm thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Theo đó, UBND thành phố cần tổ chức lấy ý kiến về nhu cầu sử dụng đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với nhà đầu tư; đánh giá tác động dự án tại khu vực thực hiện Dự án tạo quỹ đất sạch để chủ động xây dựng những giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện. Thành phố cần quy định chi tiết về nguồn "vốn mồi" trích hằng năm theo một tỷ lệ cố định cho quỹ phát triển đất. Trên cơ sở đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất lên kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về các dự án thu hồi đất nhằm tạo quỹ đất sạch có tính đồng bộ, hệ thống; chú trọng những dự án phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội địa phương mang tính dài hạn, chiến lược…
Theo Ban Kinh tế-ngân sách, HĐND TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện nay, vấn đề tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư chỉ được thực hiện nhỏ lẻ và thành phố cũng chưa ban hành quy trình chuẩn để thực hiện. Do đó, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần có bổ sung thông tin trong phần đánh giá về thuận lợi, khó khăn trong việc tạo quỹ đất sạch thời gian qua. Đối với Sổ tay Hướng dẫn quy trình và cách thức tạo quỹ đất sạch trên địa bàn TP Cần Thơ cũng cần chỉ ra rõ các bước tạo quỹ đất sạch thời gian qua, đề xuất quy trình thời gian tới. Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, đề nghị Ban Chủ nhiệm đề xuất thêm những ý tưởng, giải pháp mới mẻ, phù hợp với tình hình thực tiễn tạo quỹ đất sạch tại TP Cần Thơ. Bởi đây cũng là nhu cầu rất bức thiết để tăng tốc triển khai thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp FDI vào thành phố.