Thông tin về kết quả đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Công ty TNHH An Quý Hưng và công ty con cho thấy, công ty TNHH An Quý Hưng cùng công ty con là Công ty TNHH An Quý Hưng Land đã không phát hành được 1 trái phiếu nào trong đợt chào bán vừa qua.
Công ty mẹ Vinaconex “thất bại”trong đợt huy động 5.300 tỷ
Cụ thể, An Quý Hưng chào bán 2.600 tỷ đồng trái phiếu, với tài sản đảm bảo tương ứng là trên 125 triệu cổ phiếu VCG thuộc sở hữu của công ty TNHH An Quý Hưng. Trong khi đó, An Quý Hưng Land chào bán 2.700 tỷ đồng, được đảm bảo bởi gần 130 triệu cổ phiếu VCG.
Như vậy, An Quý Hưng và An Quý Hưng Land của ông Nguyễn Xuân Đông chào bán tổng cộng hơn 5.000 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là 255 triệu cổ phiếu VCG, tương đương toàn bộ gần 58% cổ phần Vinaconex mà An Quý Hưng sở hữu sau thương vụ đấu giá đình đám vào tháng 11 năm ngoái. Tính theo giá thị trường, lô cổ phiếu này có giá gần 7.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, để thu hút nhà đầu tư, An Quý Hưng và công ty con còn đưa ra mức lãi suất khá hấp dẫn lên tới 12%/năm cho kỳ tính lãi đầu tiên, cao hơn mặt bằng chung từ 10-11%/năm hiện nay. Kỳ điều chỉnh lãi là 6 tháng/lần. Lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo được xác định bằng lãi suất tiết kiệm trả sau thông thường (không bao gồm tiền gửi tiết kiệm online) kỳ hạn 12 tháng dành cho khách hàng các nhân (được xác định bằng lãi suất bình quân được công bố trên website của bốn ngân hàng là Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV tại ngày điều chỉnh của kỳ tính lãi tiếp theo) đối với VNĐ cộng biên độ 4,5% nhưng không thấp hơn 12%/năm.
Kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ của Công ty TNHH An Quý Hưng Land và An Quý Hưng
Tuy nhiên, kết quả An Quý Hưng và An Quý Hưng Land không huy động được 5.300 tỷ theo kế hoạch phát hành do không có nhà đầu tư tham gia.
An Quý Hưng và bài toán nợ nghìn tỷ
Việc không huy động được vốn có thể sẽ đẩy nhóm An Quý Hưng vào thế khó trong cuộc tranh chấp quyền lực với nhóm Cường Vũ - Star Invest ở Vinaconex, bởi một tỷ lệ không nhỏ trong số gần 7.400 tỷ đồng chi ra để mua cổ phần VCG là tiền đi vay, với áp lực trả lãi cũng như nợ đến hạn là rất lớn.
Tại thời điểm An Quý Hưng trúng đấu giá lô cổ phiếu của Vinaconex, đã có thông tin về việc doanh nghiệp này bán 20 lô đất tại khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn được gần 200 tỷ đồng để thanh toán tiền mua cổ phần.
Tuy nhiên, số tiền này quá nhỏ so với khoản tiền gần 7.500 tỷ đồng phải trả cho SCIC để sở hữu hơn 255 triệu cổ phần của Vinaconex. Khi nhìn vào bản cân đối kế toán năm 2018 của An Quý Hưng thì thấy, hầu hết số tiền mua cổ phần của Vinaconex không phải là tiền của doanh nghiệp này.
Ông Chủ An Quý Hưng Nguyễn Xuân Đông nổi lên sau thương vụ nghìn tỷ đình đám tại Vinaconex
Cụ thể, tổng tài sản của doanh nghiệp này đầu năm 2018 có chưa đến 1.000 tỷ đồng nhưng tổng tài sản cuối năm đã tăng lên gần 12 nghìn 700 tỷ đồng. Số nợ cũng tăng phi mã với tài sản có, trong đó nợ đầu năm là hơn 534 tỷ đồng nhưng nợ cuối năm là hơn 12 nghìn tỷ đồng. Số liệu này cho thấy, hầu hết những tài sản mà An Quý Hưng có đều là tài sản vay, huy động vốn.
Giá trị làm tăng khối tài sản của An Quý Hưng đã được nêu rõ trong bản cân đối kế toán. Theo đó, tài sản cố định có giá trị hơn 39 tỷ, bất động sản đầu tư hơn 42 tỷ, tài sản dang dở dài hạn gần 80 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất là nguồn đầu tư tài chính dài hạn, khoảng 7.600 tỷ đồng.
Tổng các khoản nợ phải trả dài hạn của An Quý Hưng là hơn 8.000 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 200 tỷ, còn 7.800 tỷ đồng là khoản nợ phải trả khác. Đây chính là khoản nợ phát sinh khi An Quý Hưng mua cổ phần của Vinaconex.
Câu hỏi đặt ra là những tổ chức hay cá nhân nào đã đồng ý cho An Quý Hưng vay một khoản tiền lớn như vậy trong khi tổng tài sản của An Quý Hưng chỉ chưa đến 1.000 tỷ và tài sản có thể thế chấp để đảm bảo cho khoản vay lớn được còn ít hơn rất nhiều lần?
Theo một số luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, có những thủ thuật để vượt qua được tình huống này. Có thể, hồ sơ tài chính của An Quý Hưng chỉ để hợp thức hóa cho nguồn tiền dùng để mua cổ phần của Vinaconex và An Quý Hưng không phải là chủ thực sự của số cổ phần này nên không cần tài sản đảm bảo vẫn có thể “vay” được tiền để mua cổ phần. Đây chính là nguồn vốn mà những nhà đầu tư bí ẩn bỏ vào đứng sau “đại gia” mới nổi.
Dòng vốn thứ hai có thể huy động thêm từ nguồn vay ngân hàng và margin chính cổ phiếu VCG tại các công ty chứng khoán để “chuyển ngược” lại cho nhà đầu tư góp vốn. Những nhà đầu tư đứng sau lưng có thể ứng tiền cho An Quý Hưng vay và An Quý Hưng sẽ phải thế chấp toàn bộ số cổ phần đã mua để đảm bảo trả “khoản nợ dài hạn” như thể hiện trong bản cân đối kế toán năm 2018 của doanh nghiệp này. Sau khi là chủ của Vinanconex thì với tư cách là cổ đông lớn của doanh nghiệp, tiền của Vinaconex có thể được rút ra sử dụng để trả nợ. Đó là cách khôn ngoan của những người kinh doanh kiểu “tay không bắt giặc”.
Huy động hàng nghìn tỷ đồng nhằm đạt được quyền lực tối cao tại Vinaconex nhưng đến nay, dù nắm tới 58% cổ phần, nhưng nhóm nhà đầu tư An Quý Hưng vẫn không giành được quyền chi phối ở Vinaconex. Đặc biệt nhất là tại "miếng bánh" Splendora Bắc An Khánh.
Trong Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu năm nay, Vinaconex đã bầu ra HĐQT và Ban kiểm soát mới, với tân Chủ tịch HĐQT Đào Ngọc Thanh.
Ông Đào Ngọc Thanh, đại diện nhóm cổ đông An Quý Hưng trở thành tân Chủ tịch HĐQT Vinaconex tại ĐHĐCĐ bất thường tháng 1.2019
Tuy vậy, chỉ sau đó hơn 2 tháng, Tòa án nhân dân Quận Đống Đa ngày 27.3.2019 đã có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm dừng thực hiện Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, bao gồm việc bầu cử thành viên Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát của công ty.
Vinaconex sau đó có đơn khiếu nại nhưng không được Tòa án không chấp nhận.
Phải đến cuối tháng 4.2019, căn cứ xác minh của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) về việc hai cổ đông lớn Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (nắm 21,3% vốn) và Đầu tư Star Invest (nắm 7,57% vốn) chưa đủ thời gian liên tục 6 tháng nắm cổ phần để có quyền khởi kiện, TAND quận Đống Đa mới có Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu hủy Nghị quyết của ĐHĐCĐ đã thụ lý trước đó. Điều này đồng nghĩa với HĐQT và BKS của Vinaconex đã được hoạt động trở lại từ ngày 25.4.
Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa chốt ngày họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 và tài liệu họp do ảnh hưởng từ các quyết định của Tòa án.
Vinaconex gặp nhiều khó khăn khi Hội đồng quản trị bị đình chỉ
Vinaconex sau đó có đơn khiếu nại nhưng không được Tòa án không chấp nhận.
Phải đến cuối tháng 4.2019, căn cứ xác minh của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) về việc hai cổ đông lớn Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (nắm 21,3% vốn) và Đầu tư Star Invest (nắm 7,57% vốn) chưa đủ thời gian liên tục 6 tháng nắm cổ phần để có quyền khởi kiện, TAND quận Đống Đa mới có Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu hủy Nghị quyết của ĐHĐCĐ đã thụ lý trước đó. Điều này đồng nghĩa với HĐQT và BKS của Vinaconex đã được hoạt động trở lại từ ngày 25.4.
Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa chốt ngày họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 và tài liệu họp do ảnh hưởng từ các quyết định của Tòa án.
L.T - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)