Trong khuôn khổ các sự kiện Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2019, hôm nay 11-5, Công ty Yến sào Khánh Hòa tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam" với sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong nước và ngoài nước.
Yến Germani đặc hữu của Việt Nam
Theo nghiên cứu, chim yến ở Đông Nam Á là yến Hàng (Aerodramus fuciphagus), trong đó phân loài yến Hàng Germani là phân loài đặc hữu phân bố chủ yếu tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Khánh Hòa là tỉnh tập trung số lượng quần thể chim yến đảo yến Hàng Germani phát triển ổn định và lớn nhất châu Á. Đây là phân loài chim yến đảo cho tổ có chất lượng cao hàng đầu thế giới.
Trong thời gian qua, các bí quyết kỹ thuật nuôi chim yến từ nguồn giống Germani nhân tạo từ các đảo, kỹ thuật nhân đàn di đàn chim yến đã tạo nên sự phát triển mạnh mẽ, vực dậy tiềm năng phát triển quần thể chim yến Hàng Germani tại các đảo yến trên toàn quốc. Qua kết quả điều tra khảo sát nhà yến năm 2018 của Công ty Yến sào Khánh Hòa, chỉ tính riêng các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có khoảng 3.424 ngôi nhà yến, nhiều nhất ở Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hiện nay, theo khảo sát thị trường, giá yến sào tại các nhà yến chưa sơ chế dao động khoảng 3,5 triệu đồng/100 g, giá sơ chế khoảng 6 triệu đồng/100 g. Giá yến đảo thiên nhiên giao động khoảng 10 triệu đồng/100 g. Đặc biệt, yến huyết chỉ duy nhất có từ đảo thiên nhiên giá từ 18-24 triệu đồng/100 g.
Khách tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật ngành nghề yến sào Khánh Hòa diễn ra vào ngày 10-5 trong khuôn khổ Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2019
Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến Sào Khánh Hòa, chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước "Nghiên cứu cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam", cho biết với tốc độ hiện nay đến năm 2020 cả nước sẽ có 10.000 ngôi nhà yến. Đến năm 2030, sản lượng yến sào xuất khẩu sẽ đạt 100 tấn thành phẩm mang lại giá trị kim ngạch đạt 200 triệu USD/năm. "Việc nuôi chim yến trong nhà cũng như hiệu quả của việc dùng yến sào ngày càng được nhiều người biết đến và quan tâm đầu tư. Vì thế, lượng nhà yến phát triển với tốc độ nhanh, tạo nên làn sóng mới thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng xã hội" - ông Hoàng đánh giá.
Đủ điều kiện là sản phẩm quốc gia
Cũng theo thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta là rất lớn. Lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương. Với ý nghĩa đó, hội thảo "Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên" là cơ sở khoa học để thực hiện quy hoạch chặt chẽ phát triển nuôi chim yến đảo vì sự phát triển bền vững của ngành nghề yến sào và vì lợi ích chung của địa phương và cộng đồng xã hội.
Yêu cầu đặc biệt quan trọng của hội thảo lần này là bên cạnh việc thu thập thông tin về phát triển bền vững nghề nuôi chim yến Việt Nam, các nhà khoa học cùng xây dựng chiến lượt phát triển nghề nuôi chim yến Việt Nam tới năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Điều tra, nghiên cứu quy hoạch các khu bảo tồn thiên nhiên cho loài chim yến có giá trị kinh tế; bảo tồn lưu giữ nguồn gien quý hiếm; giải pháp nguồn thức ăn, môi trường sinh thái nhà yến; quy hoạch các vùng, làng nghề nuôi chim yến tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Các nhà khoa học cũng tập trung nghiên cứu, trao đổi và thảo luận tích cực những vấn đề liên quan đến nghề nuôi chim yến tại Việt Nam, gồm: việc đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển nghề; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sự phát triển quần thể chim yến; giải pháp khoa học và công nghệ phát triển nghề nuôi; giải pháp bảo vệ an toàn quần thể chim; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, bí quyết kỹ thuật; công nghệ chế biến tạo sản phẩm cao cấp từ yến và các sản phẩm giá trị gia tăng từ yến…
Đặc biệt, trong tham luận gửi tới hội thảo, PGS-TS Phạm Công Hoạt thuộc Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng xét theo cả 2 tiêu chí về lĩnh vực và công nghệ, yến sào Việt Nam đủ điều kiện để trình Thủ tướng công nhận là sản phẩm quốc gia.
Yến điều trị tiểu đường
Hội thảo lần này có 3 bài viết quốc tế từ Malaysia và Thái Lan về tác dụng tổ yến trong ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường, ung thư và cao huyết áp. Đại diện Pramvadee Tepwong đến từ Khoa Thủy sản, Đại học Kasetsart (Bangkok, Thái Lan) đánh giá có 2 thành phần chính trong việc nghiên cứu các chức năng sinh học của yến sào gồm protein của các axít amin thiết yếu và carbohydrate. Chiết xuất yến sào làm giảm đáng kể tiểu đường và béo phì đều liên quan đến kháng Insulin. Một kết quả tương tự cho thấy yến sào cải thiện các chỉ số trao đổi chất và cũng tạo ra những thay đổi phiên mã trong các gien báo hiệu insulin ở gan có xu hướng tăng cường độ nhạy insulin và cân bằng nội môi glucose và lipid.
Kỳ Nam - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)