Chiều 14-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với 63 tỉnh, thành về việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục hành chính (TTHC) trong 4 tháng đầu năm 2019.
Nhiều bộ chưa hoàn thành
Theo VPCP, đến nay các bộ đã ban hành 29 văn bản, chính thức cắt giảm hơn 3.400 ĐKKD; đã trình, ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản để cắt giảm, đơn giản hóa trên 6.700 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỉ đồng. Một số bộ, ngành thực hiện tốt như các bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến chiều 14-5
Bên cạnh đó vẫn còn một số bộ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, đơn giản hóa, như Bộ Giao thông Vận tải còn 3 nghị định, Bộ Tư pháp còn 1 nghị định… Việc tổ chức thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông vẫn còn một số tồn tại, vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết TTHC…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết trong thời gian qua, bộ đã tham mưu ban hành nghị định, bãi bỏ, đơn giản hóa hàng trăm điều kiện đầu tư kinh doanh. Từ cải cách TTHC, áp dụng mô hình bộ phận một cửa tập trung, bộ đã hoàn thành 100% hồ sơ hành chính. Thay vì phải đi đến các cục, vụ như trước đây, hiện nay người dân chỉ cần đến bộ phận một cửa, rất thuận tiện. "Cải cách này góp phần giảm bớt phiền hà, nhũng nhiễu, phần nào đáp ứng mong đợi của người dân" - ông Sinh nói.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, thẳng thắn đánh giá liên thông trong các cơ quan tốt nhưng giữa các sở thì chưa nên TP khó kiểm soát hồ sơ đang nằm ở đâu, đang gặp khó khăn gì, dẫn tới tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. TP đã xác định 40 quy trình liên thông, trong đó mỗi sở có 1-2 quy trình. TP cũng đánh giá lại hiện trạng, quy trình, trách nhiệm từng sở, ngành và yêu cầu kết luận của từng sở, ngành để bộ TTHC liên thông nằm trong quy trình có thể kiểm soát được.
"TP sẽ nâng tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 vì hiện thực hiện chưa được bao nhiêu" - ông Võ Văn Hoan nói và cho biết TP nỗ lực nhiều nhưng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) vẫn chưa cao. "Thấy các tỉnh, thành khác cải thiện nhiều các chỉ số này mà TP chưa đạt thì rất lo. UBND TP đã giao các cơ quan, rà soát lại những điểm chưa được để cải thiện" - ông Hoan chia sẻ.
Không được lấy cớ quản lý để tạo rào cản
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm TTHC, ĐKKD một cách thực chất và theo hướng Chính phủ kiến tạo, minh bạch; cố gắng đi vào những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp (DN). "Những thủ tục nào, dịch vụ công nào người dân, DN đang bức xúc nhất phải xem xét làm trước. Như cấp đăng ký khai sinh, lập DN, cấp đăng ký kinh doanh… Chúng ta cải cách 1, các nước cải cách đến 10. Vì thế ngoài nâng hệ số điểm phải nâng được xếp hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam" - ông Dũng nhấn mạnh.
Nêu ý kiến của TP HCM là phải công bố bộ TTHC liên thông, ông Mai Tiến Dũng cho biết tới đây, Thủ tướng sẽ họp giao nhiệm vụ các bộ hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong tháng 6 để phấn đấu tháng 11 sử dụng được cổng dịch vụ công quốc gia. Hay vấn đề phân cấp cho địa phương, phân cấp ký, chữ ký số theo kiến nghị của các bộ, ngành địa phương là "rất đúng, rất trúng".
Ông Dũng xác nhận thực tế việc phân cấp hiện nay chậm. Do đó, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ sớm cùng các địa phương thống nhất kỹ thuật để sớm phân cấp cho địa phương, bộ, ngành. "Quản lý nhà nước vẫn phải bảo đảm nhưng không được lấy lý do này để tạo ra rào cản phát triển, giảm sự tham gia thị trường, tăng chi phí của DN. Phải cải cách quy trình, cắt giảm thủ tục hồ sơ trong bộ hồ sơ" - ông Mai Tiến Dũng nói và dẫn chứng vừa qua tổ công tác làm việc với các bộ và thấy nhiều bộ hồ sơ không cần thiết.
Về mô hình trung tâm dịch vụ công, trung tâm hành chính công, theo ông Dũng, không phải địa phương nào cũng phát huy được hiệu quả. Nhiều địa phương có trung tâm nhưng "vẫn phải chạy bộ về sở lấy hồ sơ, rồi chạy bộ lại trung tâm xem xét, duyệt" là chưa hiệu quả. Nếu tiếp nhận, thẩm định, quyết định và trả hồ sơ tại một cửa trung tâm sẽ giảm thời gian chờ đợi của người dân.