Hình thành chuỗi sản xuất ATTP
Tỉnh Sóc Trăng có nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến thực phẩm đang đầu tư, gia tăng hàm lượng công nghệ trong chế biến, đóng gói, đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông-lâm- thủy sản từ khâu xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo theo tiêu chuẩn ATTP.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Sóc Trăng, đến cuối năm 2018 tỉnh đã xây dựng thành công 12 chuỗi, các tác nhân tham gia áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt: VietGAP, GlobalGAP, HACCP; Chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm… Đến nay có 31 sản phẩm, gồm rau, quả, hành, tỏi, thịt heo, trứng vịt… cung ứng thực phẩm đảm bảo chất lượng ATTP. Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện các đề án: Phát triển lúa đặc sản, cây ăn trái đặc sản, nông sản xuất nhập khẩu. Đặc biệt đối với đề án "Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng tem điện tử" giai đoạn 2019-2021 tỉnh tiếp tục triển khai nhằm góp phần đảm bảo ATTP, áp dụng truy xuất điện tử để nắm được thông tin quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, đổi mới tổ chức sản xuất và phương thức quản lý ATTP nông nghiệp theo luật ATTP.
Theo kế hoạch đến năm 2021 tỉnh Sóc Trăng xây dựng 35 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên các nhóm sản phẩm chủ lực như rau, trái cây, thịt, thủy sản… và định hướng đảm bảo liên kết tiêu thụ cho sản phẩm trong chuỗi. Đảm bảo 100% các tác nhân tham gia trong chuỗi đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước trong lĩnh vực ATTP, như: Áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt (VietGAP; GlobalGAP; HACCP, chứng nhận đủ điều kiện ATTP, cam kết đảm bảo ATTP…) phù hợp với từng loại sản phẩm cụ thể, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn nội địa và xuất khẩu; 100% các sản phẩm trong chuỗi sau khi xác nhận áp dụng hệ thống truy xuất điện tử được hỗ trợ tem/nhãn (mã vạch hoặc QR code).
Sản phẩm đạt tiêu chuẩn ATTP người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin rõ ràng về quy trình sản xuất cũng như đánh giá của cộng đồng về chất lượng sản phẩm. Tỉnh Sóc Trăng sẽ hỗ trợ 22 quầy cung cấp sản phẩm ATTP có dán tem điện tử trên địa bàn các huyện. Đối với các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm nông-lâm-thủy sản an toàn, ngành nông nghiệp tạo điều kiện giới thiệu tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Từ nuôi, trồng đến chế biến
Ông Lê Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết: Tỉnh xác định "nông nghiệp là nền tảng, thủy sản là mũi nhọn" trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội để có sự đầu tư tập trung". Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt Sở NN&PTNT đã xây dựng vùng sản xuất hơn 180ha đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, cây ăn quả chiếm 61%, lúa 34%, còn lại là rau màu. Kết quả trong năm 2018 lần đầu tiên trái vú sữa tím của huyện Kế Sách đã xuất khẩu sang Mỹ trên 32.400kg. Dự kiến trong năm 2019 tiếp tục xuất khẩu xoài Cát Chu và bưởi Năm Roi sang thị trường châu Âu.
Sản phẩm nông thủy sản chế biến đặc sản của Sóc Trăng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Sóc Trăng hiện có 2 trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao (tự động hóa từ khâu cho ăn, uống và thu gom trứng); 27 hợp tác xã (HTX) với 1.160 thành viên và 2.658ha nuôi trồng thủy sản; 162 tổ hợp tác (THT) với hơn 3.260 thành viên và 3.340ha (trong đó có 20 THT về khai thác thủy sản). Tỉnh đang tổ chức liên kết hợp tác trong sản xuất để thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, ASC, BAP. Bên cạnh đó tỉnh tổ chức liên kết giữa HTX/THT với doanh nghiệp để chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, đảm bảo vật tư đầu vào và nông phẩm từ vùng nuôi trồng đến nhà máy có chất lượng.
Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng, với 18 nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Sản lượng thủy sản xuất khẩu chiếm 70%, trong đó tôm đông lạnh chiếm 65% trong cơ cấu các mặt hàng chế biến, còn lại là các mặt hàng chả cá, cá đông, mực đông. Dự kiến đến năm 2025 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 900 triệu USD. Do vậy, sắp tới phải xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ đạt chứng nhận quốc tế (ASC) nhắm vào thị trường châu Âu.
Tỉnh Sóc Trăng xác định sản phẩm làng nghề truyền thống còn lợi thế phát triển hơn nữa khi hình thành chuỗi sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn ATTP. Đến nay tỉnh có 11 cơ sở chế biến thực phẩm đạt chứng nhận HACCP và ISO cho các sản phẩm chế biến thịt, bánh pía, gạo, đường, nấm chế biến, thủy sản và 5 cơ sở chứng nhận GMP cho sản phẩm thịt, bánh pía, thủy sản. Kết quả cho thấy đã có một số thương hiệu nổi lên như: Bánh pía Tân Huê Viên; lạp xưởng Quảng Trân; hành tím Vĩnh Châu; gạo ST - đặc biệt gạo ST 24 vào Top 3 gạo ngon thế giới tại Hội nghị quốc tế lần 9 về thương mại gạo năm 2017 và giải nhất "Gạo ngon thương hiệu Việt" tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ III tại Long An năm 2018.
Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận cho tỉnh Sóc Trăng với 8 sản phẩm được chứng nhận Nhãn hiệu tập thể (bánh pía - lạp xưởng, hành tím Vĩnh Châu, Artemia Vĩnh Châu, bưởi Năm Roi Kế Thành, cam sành Ba Trinh, trái cây có múi Phương An, vú sữa tím Trinh Phú, trà mãng cầu Vĩnh Kiên) và 5 hộ kinh doanh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước (gạo ST, gạo tài nguyên Thạnh Trị và 3 sản phẩm sái bấu).