Tôm hùm đất (tôm càng đỏ, tôm rồng, crawfish…) có tên khoa học là cherax quadricarinatus là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, có thể ăn cả động vật sống, động vật chết lẫn thực vật, gây phá hoại mùa màng hay phá hủy chuỗi thức ăn. Chúng còn đào hang sâu để trú ẩn nên có thể làm hỏng nền đất hay gây xói mòn bờ sông, bờ suối...
Quyết liệt ngăn chặn
Chính vì vậy, từ năm 2013, loài thủy sinh này đã bị cấm nuôi, kinh doanh nhưng gần đây lại được rao bán rầm rộ trên thị trường và các mạng xã hội. Đáng chú ý, hầu hết tôm hùm đất trên thị trường đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhập lậu về Việt Nam và được bán với giá trên dưới 200.000 đồng/kg. Ngày 19-5 vừa qua, Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã phát hiện vụ vận chuyển, nhập lậu trái phép 75 kg tôm hùm đất được cất giấu trong các thùng đồ chơi. Trước đó, ngày 11-5, đơn vị này cũng phát hiện 15 thùng xốp chứa 300 kg tôm hùm đất nhập lậu từ Trung Quốc nhưng đối tượng vận chuyển bỏ hàng thoát thân.
Tôm hùm đất đã bị cấm ở Việt Nam từ nhiều năm trước vì sự nguy hại của loại sinh vật này đối với môi trường sinh thái Ảnh: Nguyễn Hải
Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố; Tổng cục Hải quan và Tổng cục QLTT đề nghị tăng cường kiểm soát loài tôm hùm đất do thời gian gần đây có tình trạng loài tôm này được đưa vào Việt Nam tiêu thụ làm thực phẩm. Khi phát hiện tôm hùm đất phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm này theo quy định. Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm hùm đất với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát tán của loài sinh vật này ra môi trường tự nhiên. "Việc kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất là vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản" - công văn của bộ nêu rõ.
Ngay sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh có văn bản chỉ đạo lực lượng QLTT huy động lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng tôm hùm đất, đặc biệt ở những địa bàn giáp biên với Trung Quốc. Lực lượng QLTT cũng sẽ tập trung kiểm soát các tuyến vận chuyển về Hà Nội, TP HCM, các nhà hàng, quán ăn có tiêu thụ sản phẩm này để hạn chế tối đa mức tiêu thụ cũng như mua bán. "Ngay trong tuần này, Tổng cục QLTT sẽ vào cuộc sát sao để kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này" - tổng cục trưởng thông tin.
Ngày 21-5, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Tôn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP HCM (Sở NN-PTNT TP HCM), cho biết: "Sau khi nhận được công văn của Bộ NN-PTNT về tăng cường kiểm soát loài tôm càng đỏ tại Việt Nam, chúng tôi đã rà soát lại trên địa bàn và chưa phát hiện trường hợp nào nuôi hoặc kinh doanh loài tôm này. Bản thân tôi cũng chưa từng thấy tôm càng đỏ trong thực tế. Chi cục Thủy sản TP HCM khuyến cáo người dân nếu phát hiện nơi nào trên địa bàn có nuôi hoặc kinh doanh tôm càng đỏ cần thông báo ngay để chúng tôi kiểm tra và xử lý theo quy định" - ông Cường nói.
Đồng loạt hết hàng
Cũng trong ngày 21-5, sau khi nhiều đơn vị chức năng ở các tỉnh, thành vào cuộc kiểm tra, kiểm soát tôm hùm đất nhập lậu, những người kinh doanh mặt hàng này tỏ ra khá dè chừng với khách lạ. Các trang web và trang mạng xã hội vài ngày trước rao bán công khai tôm hùm đất đều rút hết thông tin và hình ảnh.
Phóng viên liên hệ một số vựa hải sản lớn ở TP HCM để hỏi mua tôm hùm đất nhưng đều được trả lời là "hết hàng". Một cửa hàng kinh doanh thủy hải sản tại quận Tân Bình cho biết trước đây có bán tôm hùm đất dạng đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ (mỗi bịch từ 2-2,5 kg) với giá bán 320.000 đồng/kg nhưng từ nửa tháng nay không còn nhập về bán nữa do mặt hàng này bị cấm ở Việt Nam. Một cửa hàng ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cho biết đã hết tôm hùm đất, chỉ còn tôm hùm Alaska, tôm Bắc cực..., khách muốn mua tôm hùm đất phải đợi đến cuối tháng 5 mới có. Tuy nhiên, loại tôm hùm đất này được nhập khẩu từ Nhật Bản dưới dạng được hấp sơ với giá bán 320.000 đồng/kg chứ không phải tôm sống nhập từ Trung Quốc.
Ông T.V.T, giám đốc một công ty chuyên kinh doanh hải sản nhập khẩu tại TP HCM, cho rằng nhu cầu về các loại hải sản mới, lạ của người tiêu dùng rất lớn nên ông dự định nhập tôm hùm đất về bán nhưng khi tìm hiểu mới biết đây là loài bị cấm.
"Công ty tôi không kinh doanh nhưng trong ngành với nhau đều biết do nhu cầu thị trường nên một số đầu mối vẫn nhập tiểu ngạch loại tôm này từ Trung Quốc về bán nhờ giá rẻ và vận chuyển dễ dàng. Loài tôm này rất khỏe, chỉ cần cho vào thùng xốp, bỏ vài cục nước đá mà không gây mê hay bơm ôxy như các loại tôm khác là có thể vận chuyển dài ngày bằng đường bộ. Thậm chí, khi hàng về đến TP HCM, tôm hùm đất Trung Quốc vẫn sống tiếp vài ba tháng trong điều kiện bình thường. Tôm hùm đất có giá sỉ tại TP HCM khoảng 200.000 đồng/kg, tôm này chủ yếu được bán online và các quán nhậu nhỏ mua để phục vụ trào lưu ăn uống nhất thời của người tiêu dùng" - ông T. nói.
Không còn hộ nào nuôi tôm hùm đất
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, đơn vị duy nhất đã từng được cấp phép nhập loài tôm hùm đất để nghiên cứu xác nhận với phóng viên đã hoàn thành đề tài vào năm 2010 và không còn nuôi loài tôm này. Loài này cũng không xuất hiện trong tự nhiên nên các loại tôm hùm đất bán trên thị trường không liên quan gì đến đề tài nghiên cứu trước đây của viện mà là hàng nhập tiểu ngạch dùng làm thực phẩm.
"Chúng tôi nghiên cứu, thử nghiệm trong giai đoạn từ 2008-2010 với mục đích đánh giá khả năng phát triển thành đối tượng nuôi cũng như các nguy cơ xâm hại. Sau nghiên cứu, chúng tôi kết luận tôm hùm đất có thể nuôi, sinh sản, thích nghi và ở môi trường miền Bắc. Tuy nhiên, loài tôm này có nhiều biểu hiện của sinh vật xâm hại như: đào hang hốc, ăn tạp, cạnh tranh với các sinh vật bản địa nên chúng tôi khuyến cáo không nuôi. Thực tế, ở các nước đang nuôi tôm hùm đất như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… cũng đang gặp phải vấn đề tôm đào hang hốc, phá hoại đê điều, đê bao. Ở một số tỉnh phía Bắc từng có vài hộ dân nuôi thử nghiệm tôm này trong diện hẹp, có sự quản lý chặt nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thị trường không ổn định nên đã dừng nuôi. Viện đã khảo sát lại những địa phương đã từng nuôi tôm hùm đất và ghi nhận không còn hộ nào nuôi" - ông Huy khẳng định.